Gen Z Và Thói Quen Trì Hoãn – 8 Bước Từ Bỏ Thói Quen Xấu

Năm 2023, xây dựng kế hoạch cụ thể cho bản thân và đưa bản thân vào kỷ luật đang là một xu hướng mới của các Gen Z chăm chỉ. Tuy nhiên, không ít các bạn trẻ đang phải đối diện với khó khăn khi thực hiện các mục tiêu quan trọng bởi thói quen trì hoãn. Vậy trì hoãn là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của thói quen này ra sao? Bạn cần làm gì để hạn chế thói quen xấu này? Bài viết sau đây sẽ góp phần giải đáp giúp các bạn trẻ về các vấn đề này.

  1. Trì hoãn là gì?
  2. Nguyên nhân hình thành thói quen trì hoãn?
  3. Ảnh hưởng của việc trì hoãn?
  4. Làm thế nào để hạn chế thói quen trì hoãn?
  • Bắt đầu bằng việc hiểu rõ năng lực làm việc, học tập của bạn
  • Hiểu rõ ý nghĩa của công việc
  • Chia công việc thành các đầu mục nhỏ
  • Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên
  • Chú ý tới môi trường làm việc, học tập của mình
  • Tự thưởng cho bản thân
  • Hạn chế tối đa các yếu tố gây xao lãng, mất tập trung
  • Và cuối cùng, hãy thành thật với cảm xúc của bản thân

Nội dung tóm tắt

1. Trì hoãn là gì?

Trì hoãn (Procrastination) là hiện tượng phổ biến ở con người, liên quan đến trạng thái căng thẳng và giới hạn thời gian nhất định cho một công việc phải hoàn thành. Họ chủ động tạm hoãn việc thực hiện công việc cần làm mặc dù tự ý thức được điều này mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân.

Gen Z và thói quen trì hoãn
Mặc dù biết trì hoãn ảnh hưởng tiêu cực nhưng nhiều bạn Gen Z khó khăn trong việc từ bỏ thói quen này

2. Nguyên nhân hình thành thói quen trì hoãn?

Thói quen trì hoãn hình thành từ các yếu tố sau:

  • Do sự lười biếng và lòng tự trọng thấp: Cá nhân quá dễ dàng hài lòng với việc tạm hoãn các công việc cần làm, và họ cũng không cảm thấy tội lỗi với việc làm này của bản thân. Những người này có xu hướng trốn tránh sự căng thẳng của công việc bằng thú vui tiêu khiển để được xoa dịu về mặt tinh thần;
  • Áp lực về mặt thời gian: Chính là việc “Nước tới chân mới nhảy”. Một số cá nhân có niềm tin rằng mình sẽ hoàn thành công việc tốt hơn khi bị đặt dưới áp lực về mặt thời gian;
  • Do công việc không tạo đủ động lực cho cá nhân: Mức độ khó khăn và phức tạp của một công việc sẽ dễ khiến chúng ta cảm thấy mất sức và chán nản, từ đó dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng;
  • Sự thiếu tự tin vào bản thân: Cá nhân cho rằng bản thân không đủ giỏi để kiểm soát khối lượng công việc cần làm, cảm giác bị bỏ lại phía sau trong môi trường làm việc hay học tập, hoặc đơn giản là họ chưa tìm được phương pháp làm việc, học tập hiệu quả cho bản thân.
  • Sức khỏe thể chất và tinh thần không đảm bảo: Qua các nghiên cứu, những người thường xuyên trì hoãn thường có nhiều vấn đề về sức khỏe hơn. Chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài hoặc bệnh trầm cảm… cũng khiến cho việc đảm bảo tiến trình công việc khó khăn hơn.
Stress cũng là một trong những nguyên nhân của thói quen trì hoãn

3. Ảnh hưởng của việc trì hoãn?

Việc trì hoãn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới công việc và chất lượng cuộc sống:

  • Làm giảm sút hiệu quả làm việc và thành tích học tập;
  • Gây cảm giác xấu hổ và tội lỗi;
  • Nếu việc trì hoãn xảy ra thường xuyên, dai dẳng có thể làm gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng và trầm cảm…

Chính vì vậy, phần lớn những người có thói quen xấu này đều mong muốn được cải thiện bản thân. Thế nhưng câu chuyện đưa bản thân vào kỷ luật lại khiến họ không biết bắt đầu từ đâu.

4. Làm thế nào để hạn chế thói quen trì hoãn?

“Kẻ thù” của thói quen trì hoãn chính là động lực. Vì vậy, tất cả những gì bạn cần thực hiện là tự tạo ra và tìm kiếm động lực cho bản thân. Hãy thử áp dụng 8 bước sau để đưa bản thân vào kỷ luật nhé!

4.1. Bắt đầu bằng việc hiểu rõ năng lực làm việc, học tập của bạn

Một số người có thói quen trì hoãn không phải vì sự lười biếng mà bởi vì họ đặt mục tiêu quá cao so với năng lực của bản thân, để rồi chán nản, mất động lực khi công việc không như mong đợi.

Hơn nữa, không phải ai cũng có khả năng tập trung giống nhau. Có người có thể tập trung làm một công việc liên tục trong 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng cũng có người chỉ tập trung tối đa trong khoảng 20-30 phút.

Tốt nhất là bạn cần dựa vào kinh nghiệm của bản thân để không tự làm khó mình.

4.2. Hiểu rõ ý nghĩa của công việc

Trên thực tế, điều có thể khiến chúng ta khó chịu và dễ nản lòng khi bắt đầu làm một công việc chỉ đơn giản là ta chưa cảm thấy nó đủ ý nghĩa. Công việc càng ít ý nghĩa, chúng ta càng ít muốn thực hiện chúng. Tuy nhiên, những nhiệm vụ càng gây khó chịu lại chính những nhiệm vụ mà chúng ta thường hay trì hoãn nhất.

Những nhiệm vụ càng gây khó chịu lại chính những nhiệm vụ mà chúng ta thường hay trì hoãn nhất

Hãy nhìn xa hơn một chút, và tự đặt câu hỏi theo hướng ngược lại: “Nếu như không hoàn thành công việc này, bản thân mình sẽ thiệt gì?”. Bạn có thể bị điểm kém không, hay sẽ bị sếp phàn nàn? Bạn sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân hay sẽ phải đối mặt với day dứt nội tâm, và tình trạng lo lắng, căng thẳng sẽ mãi tiếp diễn đến bao giờ?…

Như vậy, việc tìm ra ý nghĩa của công việc sẽ dễ dàng hơn, và bạn ít có cơ hội “nuông chiều” bản thân với thói quen trì hoãn quá đà. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ cảm thấy sự mãn nguyện và tận hưởng thành quả của mình.

4.3. Chia công việc thành các đầu mục nhỏ

Bạn quyết định sẽ xắn tay áo ngồi vào bàn làm việc, nhưng tất cả những gì bạn nhìn thấy lúc này là một “núi” công việc lớn và đồ sộ, nhìn “có vẻ” phức tạp. Bạn lập tức tìm lấy một thú vui tiêu khiển khác để trốn tránh cảm giác lo lắng, choáng ngợp và quyết định để lại công việc cho ngày mai. Thật là một quyết định sai lầm!

Chính vì vậy, chia công việc thành nhiều nhiệm vụ nhỏ sẽ tạo cảm giác dễ dàng hơn để xắn tay áo bắt đầu làm việc.

Việc tận dụng các ứng dụng công nghệ để lên kế hoạch như Google Tasks, Microsoft To Do, Notion… có thể giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến trình làm việc, học tập của mình.

4.4. Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

Đây là bước quan trọng giúp cho tiến trình làm việc trở nên khoa học hơn, nhất là đối với khối lượng công việc nhiều, phức tạp với giới hạn thời gian khác nhau. Nếu không sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, rất có thể bạn sẽ lao vào guồng xoáy không biết phải biết bắt đầu từ đâu.

Hãy sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

Để tránh việc này xảy ra, một mẹo đó là hãy liệt kê ra 3 công việc cần phải hoàn thành ngay trong ngày, và rồi gạch nó ra khỏi danh sách khi bạn đã thực hiện xong. Số lượng 4 có thể gây ra cảm giác dễ bỏ cuộc, còn 5 lại là quá nhiều. Làm theo cách này, ngay cả khi có những ngày bạn chỉ hoàn thành 2/3 khối lượng công việc cần làm thì vẫn tốt hơn là chưa làm gì, hoặc chỉ làm những việc không thật sự quan trọng, phải không nào?

4.5. Chú ý tới môi trường làm việc, học tập của mình

Môi trường xung quanh có tác động rất lớn đến khả năng làm việc, học tập của một người. Tùy từng tính cách, mỗi cá nhân sẽ có nhu cầu được làm việc khác nhau để tối đa hóa năng suất của mình.

Nếu như tiêu chí của bạn là một không gian yên tĩnh, thoải mái, hãy chú ý dọn dẹp bàn làm việc tại nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Một không gian xanh với nhiều cây cũng là một sự lựa chọn không tồi. Thử trang trí bàn làm việc với một chậu cây xương rồng nhỏ, chắc chắn sẽ khiến tâm trạng bạn thoải mái hơn.

Nếu như bạn cảm thấy việc ở nhà đã trở nên nhàm chán thì đừng ngại qua thư viện, quán cà phê để thay đổi, cải thiện tâm trạng. Đôi khi nhìn mọi người xung quanh chăm chỉ làm việc cũng là một động lực cho bản thân.

Môi trường xung quanh có tác động rất lớn đến khả năng làm việc, học tập của một người

4.6. Tự thưởng cho bản thân

Có vẻ như bạn đang thực hiện các bước nhỏ theo tiến trình làm việc và học tập rồi, nhưng thời gian dần trôi, bạn dần cảm thấy không đủ ý chí quyết tâm như ban đầu nữa. Rất có thể bạn cần một vài động lực nhỏ thôi thúc cho sự quyết tâm của mình.

Có rất nhiều cách để tạo ra các phần thưởng nhỏ cho bản thân mỗi khi hoàn thành xong một nhiệm vụ nhỏ. Một món ăn tráng miệng, một cốc cà phê, một buổi gặp mặt bạn bè hay đọc tiếp cuốn sách yêu thích đang dang dở sau thời gian làm việc, học tập chăm chỉ… sẽ là những phần thưởng cho sự cố gắng, nỗ lực của bạn. Chúng đóng vai trò duy trì động lực cho bạn cho đến cuối công việc.

Duy trì động lực cho bản thân bằng những phần thưởng nhỏ

4.7. Hạn chế tối đa các yếu tố gây xao lãng, mất tập trung

Khi đã ngồi vào bàn làm việc, tốt nhất bạn không nên để bản thân phải đứng dậy. Hãy chuẩn bị đầy đủ những vận dụng cần thiết cho công việc, kèm với nước uống, đồ ăn vặt… để không phải rời khỏi bàn.

Hãy tắt thông báo của những ứng dụng không cần thiết trên điện thoại, hoặc nếu có thể, hãy để điện thoại sang một bên để tránh gây xao nhãng.

Bạn có biết nghe nhạc cũng làm tăng khả năng tập trung? Một số lựa chọn tiềm năng là những bản nhạc, âm thanh có giai điệu đơn giản, không lời để tăng độ tập trung tối đa cho não bộ, ví dụ như:

  • Nhạc cổ điển: Nhạc cổ điển có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và cải thiện sự tập trung của bạn. Ngoài ra, nghe nhạc cổ điển có thể giúp kích thích não bộ.
  • Âm thanh thiên nhiên: Tiếng chim hót líu lo, tiếng mưa rơi hoặc tiếng sóng vỗ vào bờ biển có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Dạng âm thành này cũng có thể giúp tăng mức độ sáng tạo.
  • Jazz: Jazz có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho học tập và làm việc. Bởi Jazz thường mang giai điệu lạc quan nên chúng có thể giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tăng cường sự tập trung của người nghe.
  • Lo-fi: Âm thanh nhẹ nhàng và nhịp điệu của nhạc lo-fi cũng rất phù hợp với các buổi học và làm việc, giúp ta tập trung hơn.

Áp dụng những mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tập chung của bản thân. Làm việc hăng say và hiệu quả sẽ giúp tinh thần phấn chấn, giảm thiểu sự chán nản, từ đó tăng động lực cho bản thân, tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng.

4.8. Và cuối cùng, hãy thành thật với cảm xúc của bản thân

Bạn có biết trí tuệ cảm xúc cũng đóng vai trò rất quan trọng để loại bỏ thói quen trì hoãn không? Hãy học cách nhận ra rằng: Đôi khi ở một số giai đoạn nhất định, chúng ta khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực, nhưng đừng hành động theo những cảm xúc tiêu cực đó!

Khi cảm thấy mệt mỏi với tâm trạng không tốt, bạn nên ngồi lại làm việc với bản thân mình. Đã bao lâu rồi bạn chưa dành cho bản thân một lời động viên và cảm thông đúng mực? “Đừng đầu hàng, và mình sẽ cảm thấy tốt hơn vào ngày mai”.

Thừa nhận những cảm xúc tiêu cực, khoan dung với bản thân nhưng đừng để cảm xúc tiêu cực đó trì hoãn công việc và học tập của mình. Hoàn thành một nhiệm vụ này sẽ mang đến cho bạn động lực để thực hiện nhiệm vụ kế tiếp. Hãy tự nhủ: “Chỉ cần bắt đầu, những cảm xúc tiêu cực sẽ qua đi”.

 

Bài viết trên đã cung cấp cho các bạn 8 cách để đưa bản thân vào kỷ luật. 8 cách này chỉ dừng lại ở lý thuyết nếu như bạn không thật sự thay đổi bản thân mình ngay hôm nay. Chúc các bạn Gen Z sẽ sớm tìm được phương thức học tập và làm việc hiệu quả với thói quen tốt!

 

Lưu ý: Bài viết không phải là sự chỉ dẫn của chuyên gia y tế. Hãy đến gặp bác sĩ nếu như bạn cảm thấy các vấn đề tâm lý của bản thân nghiêm trọng và cần được tư vấn.

Họ và tên: Đỗ Thị Quỳnh Như

Mã sinh viên: 20051331

Mã học phần: INE3104 3

 

Bài viết bạn có thể quan tâm:

Stress: 5 nguyên nhân gây căng thẳng cho sinh viên

Tác dụng của chạy bộ ? 10 lợi ích khi chạy bộ mỗi ngày

Top 6 công thức nước Detox đơn giản giúp giảm cân sau Tết

Eatclean là gì? Gợi ý thực đơn Eatclean giảm cân 7 ngày hấp dẫn, hiệu quả

4 thoughts on “Gen Z Và Thói Quen Trì Hoãn – 8 Bước Từ Bỏ Thói Quen Xấu

  1. says:

    Bài viết hữu ích quá ạ! Mình sẽ áp dụng những cách này trong tương lai, cảm ơn người đăng bài rất nhiều <3

  2. Pingback: Stress: 5 nguyên nhân gây căng thẳng cho sinh viên - Sức khỏe đô thị

  3. Pingback: Tác dụng của chạy bộ ? 10 lợi ích khi chạy bộ mỗi ngày - Sức khỏe đô thị

  4. Quỳnh says:

    Lúc đầu chỉ nghĩ bản thận hơi lười chút, không ngờ hoá ra lại là một thói quen xấu :> chắc là mình sẽ cố gắng thứ làm theo những lời gợi ý, mong rằng cuộc sống sẽ cải thiện hơnnn

Comments are closed.