Khái niệm “bệnh văn phòng” dùng để chỉ chung những bệnh do làm việc tại văn phòng gây nên. Trong xã hội hiện đại, công việc văn phòng ngày càng trở nên phổ biến và cũng từ đó, càng ngày càng nhiều người bị mắc hội chứng bệnh văn phòng hơn. Bạn là nhân viên văn phòng đang lo lắng cho sức khỏe của mình? Bạn đang muốn tìm “bí kíp” để có thể tăng khả năng tránh được “bệnh văn phòng”? Vậy hãy cùng Suckhoedothi.com tìm hiểu về 6 thói quen mà bạn cần thực hiện để phòng ngừa bệnh văn phòng nhé!
Nội dung tóm tắt
Thường xuyên đứng dậy đi lại khi có thể
Trung bình với một người làm công việc văn phòng, họ thường xuyên phải ngồi làm việc 8 tiếng/ ngày tại văn phòng. Tuy nhiên, việc ngồi nhiều cũng như lười đi lại trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Do đó, một nhân viên văn phòng có thể sẽ mắc các bệnh sau đây nếu như họ phải ngồi quá nhiều trong một ngày mà không được vận động:
Các bệnh văn phòng liên quan đến phần lưng và vai
Tư thế ngồi sẽ gây ra một áp lực rất lớn cho cơ cổ, cơ lưng và cơ vai. Nhiều người làm việc văn phòng có thể dễ dàng cảm nhận thấy được những tác động rõ rệt lên lưng và vai của mình. Khi ngồi lâu, trọng lượng của phần trên cơ thể sẽ dồn lên cột sống, và các điểm chịu áp lực lớn nhất là vùng cổ, lưng và cột sống thắt lưng.
Các bệnh văn phòng liên quan đến phần chân và hông
Ngồi làm việc trong thời gian dài có thể dẫn đến teo cơ ở bắp chân và mông. Ngồi quá lâu khiến cho máu chảy về chân bị giới hạn khiến tĩnh mạch phải chịu thêm áp lực và có thể gây nên triệu chứng sừng, xoắn và phình – hay còn gọi là giãn tĩnh mạch.
Các bệnh văn phòng về tim, gan, thận
Khi chúng ta ngồi và không vận động tay chân thì máu sẽ vận chuyển chậm trong cơ thể, điều này sẽ gây ảnh hưởng lên các cá quá trình chuyển hóa của cơ thể. Hơn nữa, do cơ thể chúng ta đã quen với chuyển động chậm khi ngồi nhiều nên khi chúng ta đột ngột vận động nhanh sẽ khiến cơ thể không thể thích ứng kịp và có thể gây ra các chứng cấp tính như đột quỵ tim, tai biến mạch máu não,.. vô cùng nguy hiểm.
Tinh thần không ổn định
Khi phải ngồi làm việc ở văn phòng, não chúng ta thường cần tập trung cao độ vào công việc trong một khoảng thời gian dài. Nếu cứ tập trung như thế mà không có sự nghỉ ngơi hợp lý thì sẽ rất dễ khiến cơ thể rơi vào tình trạng bực tức, khó chịu mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Hãy cố gắng để bản thân mình có thể đi bộ nhiều nhất có thể trong khoảng thời gian làm việc để cố gắng tránh khỏi các bệnh văn phòng nói trên. Nếu bạn sợ quên, bạn có thể tự cài đặt nhắc nhở ngay trên smartphone của mình với khoảng thời gian từ 30-60 phút để đứng lên đi lại một lần.
Uống đủ nước
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng của cơ thể và khoảng 80% thể tích của não. Vì vậy, mọi người cần uống đủ nước (2-3 lít / ngày) để đảm bảo sức khỏe tổng thể và hiệu quả công việc.
Một mẹo nhỏ cho bạn đó là hãy uống nước bằng ly nước nhỏ thay vì tích trữ nước trong một bình đựng to và để trên bàn làm việc. Thứ nhất, việc uống nước bằng ly nhỏ sẽ kích thích bạn hơn thay vì phải uống nước từ trong bình đựng mà không biết uống bao giờ mới hết. Thứ hai, việc uống nước bằng ly nước nhỏ còn có thể là cái “cớ” để bạn có thể đứng dậy khỏi bàn làm việc của mình và đi lấy nước thường xuyên.
Đây cũng là một cách để bạn không quên việc phải đứng dậy đi bộ sau một khoảng thời gian dài ngồi làm việc để tránh bệnh văn phòng.
Luôn vệ sinh sạch sẽ và tạo mảng xanh cho bàn làm việc
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến chúng ta phải chú ý hơn đến việc vệ sinh ở các khu vực công cộng để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi rút và vi khuẩn gây ra. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị sẵn nước khử trùng và khăn kháng khuẩn để vệ sinh góc làm việc thường xuyên, tránh các bệnh văn phòng liên quan đến vi khuẩn. Một bàn làm việc sạch sẽ và ngăn nắp không chỉ tốt cho hệ thống miễn dịch của bạn mà còn có thể giúp bạn tập trung tốt hơn và làm việc tốt hơn.
Hơn nữa, nếu có thể hãy cố gắng tạo mảng xanh cho bàn làm việc của bạn. Công việc văn phòng luôn khiến tâm trí bạn ở trong trạng thái liên tục bị dao động và đòi hỏi não bộ phải xử lý nhanh chóng các thông tin tiếp nhận. Thế nên tâm trí bạn phải luôn được đặt ở trạng thái tốt nhất.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoa và thực vật có thể tác dụng nâng cao tinh thần và cải thiện tâm trạng. Một môi trường làm việc có cây xanh sẽ giúp bạn có được khoảng lặng để cân bằng giữa lý tính và cảm xúc, qua đó giúp bạn có tinh thần làm việc tốt hơn, làm giảm thêm khả năng mắc bệnh văn phòng.
Không bao giờ bỏ bữa trưa
Thói quen bỏ bữa trưa là một thói quen quen thuộc của dân văn phòng, nhất là trong những mùa làm việc cao điểm. Do khoảng thời gian nghỉ trưa ít, hầu hết nhân viên văn phòng sẽ cố tình bỏ qua bữa trưa để có thời gian nghỉ ngơi hoặc thậm chí là dành thời gian tiếp tục làm việc. Họ thấy việc bỏ thời gian cho một bữa trưa là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ như vậy, bạn đã mắc một sai lầm lớn.
Theo Tiến sĩ Scheller – Giám đốc dinh dưỡng của Freshly (Mỹ), bữa trưa thường bị mọi người đánh giá thấp, tuy nhiên nó lại có vai trò quan trong giúp chúng ta có một buổi chiều làm việc hiệu quả. Nếu không nạp đủ năng lượng vào bữa trưa, bạn có thể phải đối mặt với sự mất tập trung vào các công việc buổi chiều. Không những thế, nếu thường xuyên bỏ bữa trưa, bạn có thể sẽ mắc các bệnh như đau dạ dày và nhiều bệnh tiêu hóa khác.
Chính vì thế, hãy xây dựng cho một mình một chế độ ăn trưa đầy đủ, không cần một bữa trưa có hoành tráng, nhưng ít nhất hãy nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể để có thể có được tinh thần tập trung nhất vào buổi chiều.
Tạo tâm lý tích cực mỗi ngày
Công việc văn phòng có lẽ là một công việc nhàm chán với nhiều người, vì hầu như nhân viên văn phòng sẽ luôn tiếp xúc với cùng một loại công việc từ ngày này sang ngày khác. Có đôi khi họ sẽ cảm thấy chán nản và buồn bực với công việc của mình. Tuy nhiên, càng như thế thì chúng ta càng cần xây dựng cho mình một tâm lý tích cực hơn mỗi ngày.
Người suy nghĩ tích cực sẽ luôn là người chủ động trong mọi tình huống diễn ra. Họ sẽ luôn làm việc trong tâm thế lạc quan và luôn cố gắng phấn đấu để mọi thứ tốt đẹp hơn theo cách đúng đắn nhất. Nhờ vậy, người có suy nghĩ tích cực sẽ dễ dàng đạt được nhiều thành công trong công việc hơn người khác.
Trước khi bắt đầu một ngày, mọi người có thể dành thời gian để suy nghĩ xem hôm nay mình phải làm gì để cải thiện bản thân hơn hoặc hôm nay mình cần thời gian để làm chuyện gì cho bản thân mình. Duy trì thói quen này có thể rất hữu ích dù chỉ trong một ngày.
Tạo ra ranh giới công việc và thư giãn sau mỗi khoảng thời gian tập trung
Chúng ta nên tạo rõ ranh giới giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi để tránh mang những muộn phiền hoặc căng thẳng không đáng có ra ngoài giờ làm việc. Việc đem công việc từ văn phòng về nhà hoặc vào thời gian nghỉ ngơi thậm chí còn có thể khiến chúng ta có tâm lý chán ghét với công việc hiện tại.
Vậy nên, để hiệu quả làm việc đạt trạng thái tốt nhất, bạn nên định ra khung giờ làm việc cụ thể, cam kết hoàn thành và không để công việc ảnh hưởng đến khoảng thời gian nghỉ ngơi của bản thân.
Bên cạnh đó, ngay trong giờ làm việc, bạn có thể chọn cách làm việc căng thẳng 45 phút sau đó dành ra 5 phút để thư giãn, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong thời gian đó bạn không nên lướt Facebook hay Zalo vì như thế, não bộ của bạn sẽ không được nghỉ ngơi thật sự.
Trên đây là 6 thói quen bạn cần thực hiện để phòng ngừa bệnh văn phòng theo Suckhoedothi.com. Hy vọng các bạn có thể sớm hình thành các thói quen trên để bảo vệ sức khỏe văn phòng của mình!
Đọc thêm:
Hội chứng “burnout”: Kiệt sức trong công việc và top 5 cách đối phó
- Top 10 bí quyết phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình
- Tại sao ngồi quá nhiều có hại cho sức khỏe của bạn?