Thực trạng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam giai đoạn 2000-2020

Thực trạng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam giai đoạn 2000-2020

Tại Việt Nam, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển đặc biệt dồi dào với sự đa dạng về chủng loại và trữ lượng cá. Nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng rộng lớn cũng là lợi thế trong ngành sản xuất và chế biến gỗ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản với trữ lượng hơn 60 loại khoáng sản, đặc biệt là trữ lượng một số loại kim loại đặc biệt cao. Từ đây, ta thấy rằng, Việt Nam là một đất nước có giá trị lớn về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó đang ngày một bị suy giảm. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về điều này.

Nội dung tóm tắt

Thực trạng tài nguyên thiên nhiên rừng ở Việt Nam

Việt Nam có tới ¾ diện tích quốc gia là đồi núi và rừng, che phủ hơn 30% diện tích. Tài nguyên thiên nhiên rừng luôn được xem là kho tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, đem lại nhiều lợi ích cả về phát triển kinh tế xã hội cũng như đem lại sự đa dạng, phong phú sinh học.

Tuy nhiên, rừng nước ta ngày càng suy giảm về diện tích và chất lượng, tỉ lệ che phủ thực vật dưới ngưỡng cho phép về mặt sinh thái. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng. Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy.

Diện tích rừng Việt Nam giai đoạn 1945 - 2015
Diện tích rừng Việt Nam giai đoạn 1945 – 2015

Theo số liệu báo cáo Chương trình điều tra, theo dõi và đánh giá tài nguyên rừng toàn quốc (NFIMAP), hơn ⅔ diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam được coi là rừng nghèo, rừng giàu và rừng trung bình chỉ chiếm 4,6% tổng diện tích rừng và phần lớn phân bố tại các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha rừng ngập mặn, đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới.

Rừng dọc đường Trường Sơn Đông bị tán phá nặng nề
Rừng dọc đường Trường Sơn Đông bị tán phá nặng nề

Ước tính năm 2020, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.279.185 ha và rừng trồng là 4.398.030 ha. Song song với việc xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đạt tiêu chuẩn, ngành Lâm nghiệp và các địa phương cũng từng bước tập trung phát triển cây lâm nghiệp bền vững. 

Thực trạng tài nguyên thiên nhiên biển ở Việt Nam

Việt Nam với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, hơn 3.000 hòn đảo, 11.000 loài sinh vật cư trú ở vùng biển đã mang lại cho Việt Nam một lợi thế to lớn trong đa dạng sinh học biển, mang lại nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế đồng thời là nơi lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Vì vậy, ngành du lịch biển Việt Nam hàng năm thu hút đã khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm.

Sản lượng thủy sản nước ta, giai đoạn 1990 – 2010
Sản lượng thủy sản nước ta, giai đoạn 1990 – 2010 (Đơn vị: nghìn tấn)

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, thủy sản, hàng hải, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy sản,…. bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô còn rất nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước).

Khai thác biển đảo đã đem lại những lợi ích kinh tế – xã hội bước đầu quan trọng, nhưng việc sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Trình độ khai thác biển của nước ta đang ở tình trạng lạc hậu nhất trong khu vực. Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát huy đúng tiềm năng và thế mạnh.

Biểu đồ sản lượng khai thác thủy sản Việt Nam 1995-2020
Biểu đồ sản lượng khai thác thủy sản Việt Nam 1995-2020

Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản của cả nước là 1,3 triệu ha và 10.000.000 m3 nuôi lồng (7.500.000 m3 lồng nuôi mặn lợ và 2.500.000 m3 nuôi ngọt). Diện tích nuôi biển 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Từ 1995 – 2020, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần, tăng trường trung bình năm 6% từ 929 nghìn tấn lên 3,85 triệu tấn. Từ 1997-2020, xuất khẩu tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10% từ 758 triệu USD lên 8,5 tỷ USD.

Thực trạng tài nguyên thiên nhiên khoáng sản ở Việt Nam

Việt Nam tuy là nước có diện tích không lớn nhưng có nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40 chủng loại từ khoáng sản năng lượng (dầu khí, than, urani, địa nhiệt), khoáng sản không kim loại, vật liêu xây dựng đến khoáng sản kim loại. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác.

Tuy nhiên, đặc điểm chung của tài nguyên thiên nhiên khoáng sản Việt Nam phần lớn là tụ khoáng sản có quy mô vừa và nhỏ, phân bố rải rác, các loại khoáng sản có quy mô công nghiệp không nhiều. Phần lớn các mỏ đều nằm ở vùng sâu, vùng xa không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật kém, nên khả năng khai thác gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên khoáng sản lại chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch thường xảy ra.

Mỏ than tại Quảng Ninh
Mỏ than tại Quảng Ninh

Có thể nói, việc khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản chưa bao giờ được tiến hành rộng rãi ở các địa phương như hiện nay. Các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu còn gây tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển, tác hại đến sức khỏe sự an toàn tính mạng của con người và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Trung bình mỗi năm ngành khai khoáng cung cấp trên 100 triệu tấn đá vôi xi măng, trên 40 triệu tấn than sạch, trên 3 triệu tấn quặng sắt… đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu khoáng sản cho các ngành kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2018, ngành công nghiệp khai khoáng đạt trị giá 408,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,17% về trị giá so với năm 2017, đóng góp 7,38% vào tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành. 10 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành khai khoáng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kết luận

Tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú là lợi thế của một quốc gia khi đưa ra các chính sách phát triển kinh tế. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, Việt Nam đã đưa kinh tế phát triển trên cả ba vùng kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã bị khai thác và làm dụng quá mức khiến cho một số loại tài nguyên bị suy giảm trầm trọng. Bài viết trên đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Xem các bài viết cùng chủ đề:

Tài nguyên thiên nhiên và sự cạn kiệt – 1 cảnh báo khẩn cho toàn cầu

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thu Hà

Mã sinh viên: 20051257