Bún riêu cua có thể coi là một trong những món ăn tinh túy của ẩm thực Việt Nam. Được yêu thích bởi hương vị đậm đà và nguyên liệu dân dã, món bún này đã trở thành món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Hôm nay cùng đổi bữa cho gia đình bằng món bún riêu cua đồng thơm ngon chỉ với 5 bước đơn giản tại nhà nhé.
Món bún riêu cua đồng
Xem thêm: Truy lùng 11 quán bún riêu cua Hà Nội ngon ngất ngây
Bún riêu cua tuy là món ăn dân dã nhưng để tạo ra hương vị đậm đà thì lại yêu cầu sự tỉ mỉ. Phần khó nhất trong khi nấu bún riêu cua là phải khéo léo sao cho đậm vị ngọt của cua mà vẫn không bị tanh, chả cua mềm mịn, vàng ươm đẹp mắt. Hãy tham khảo cách làm bún riêu cua dưới đây để theo dõi chi tiết những bí quyết để nấu được món bún riêu cua vừa ngon vừa đẹp mắt.
Nội dung tóm tắt
Giá trị dinh dưỡng
Theo y học cổ truyền, cua đồng không chỉ là thực phẩm quen thuộc mà còn là vị thuốc tốt có công dụng điều trị ứ huyệt do bầm dập. Do có tác dụng bồi bổ sức lực, tán huyết, bổ gân xương nên cua đồng được nhân dân ta coi là loại thuốc tăng lực. Trong dân da, các đô vật thường dùng nước cua đồng trước khi vào trận đấu để tăng cường sức lực, vật khỏe và dẻo dai hơn. Những người đấu võ cũng thường bị ứ huyệt khi bị đòn đau hoặc bị ngã, uống nước cua sống sẽ giúp trị chấn thương, chỗ đau mau lành.
Một mặt khác y học hiện đại đã chứng minh trong cua đồng có nhiều canxi, rất tốt cho trẻ còi xương, người bị loãng xương. Bên cạnh đó, cua đồng còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao với rất nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin B1, B2, PP, photpho, sắt, … cùng các axit amin. Do đó, món ăn từ cua đồng có tác dụng trong việc chữa vệt thương bị bầm dập, viêm loét, trị lở ngứa, giảm cảm giác bồn chồn, chán ăn, …
Nguyên liệu nấu Bún riêu cua đồng
- Cua đồng 1000g
- Bún tươi 500g
- Giò sống 100g
- Mỡ heo 100g
- Tôm khô 50g
- Trứng gà 2 quả
- Đậu hũ khoảng 3 miếng
- Cà chua, hành tím, hành lá
- Rau ăn kèm: rau muống, bắp chuối, rau kinh giới, giá
- Gia vị: hạt tiêu, hạt nêm, đường, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dầu điều
Lưu ý khi chọn mua cua đồng
Để có được món bún thơm ngon, bên cạnh cách nấu bún riêu cua đồng chuẩn vị thì phần chuẩn bị nguyên liệu cũng quan trọng không kém.
- Khi chọn cua đồng nên chọn con cua có phần mai cua màu sáng hơn. Cua đực thường có yếm nhỏ và nhiều thịt, trong khi đó cua cái thì có yếm lớn hơn và nhiều gạch. Cần cân nhắc về sở thích và khẩu vị của gia đình để chọn lượng cua đực và cua cái cho hợp lý.
- Nguyên liệu tươi sẽ mang lại cho món bún hương vị thanh mát hơn. Bí quyết chọn cua tươi đó là cua còn đủ càng, chân, di chuyển nhanh, linh hoạt, khi dùng tay ấn vào yếm thấy sủi bọt khí.
- Lật ngửa cua lên, dùng tay ấn vào yếm thấy không bị lún là cua có thịt chắc, không bị ốp. Cua bị ốp sẽ ít thịt và thường bị khai. Bên cạnh đó thời điểm mua cua cũng rất quan trọng. Nên mua cua vào những ngày đầu hoặc cuối tháng, cua sẽ béo và chắc thịt hơn. Khoảng thời gian giữa tháng là lúc cua lột vỏ nên thường gầy và ít thịt.
- Ngày nay việc sơ chế cua đã trở nên dễ dàng hơn khi có máy xay thay vì phải giã tay vất vả như ngày xưa, tuy nhiên xay bằng máy sẽ khiến váng thịt cua bị xốp và sạn. Do đó nếu có thời gian, nên ưu tiên giã cua bằng tay để váng thịt được mềm mịn.
Cách nấu bún riêu cua đồng
Sơ chế cua đồng
Để phần thịt cua được ngon và chắc thịt, nên ngâm cua 1 – 2 tiếng trước khi bắt đầu sơ chế. Cua đồng ngâm nước và rửa sạch để loại bỏ hết đất cát. Bóc phần mai cua và dùng thìa nạo lấy phần gạch để riêng, ướp với một ít hạt nêm và tiêu.
Vỏ cua đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ. Sau khi được xay nhuyễn thì cho qua rây để lọc nước hoặc dùng một tấm vải để bóp lấy nước. Cho cua xay vào tô lớn hòa cùng nước, sau đó lọc bỏ xác cua lấy nước.
Sơ chế cua đồng
Thêm gia vị muối, hạt nêm, bột ngọt và đun trên bếp với lửa vừa. Khi đun khuấy nhẹ tay để phần riêu cua kết lại, nổi lên rồi vớt ra tô. Không nên đun với lửa lớn vì gạch cua dễ bị cháy và trào ra ngoài. Phần gạch cua xào chín cùng với mỡ hoặc dầu ăn.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Rau rửa sạch, để ráo nước. Rau muống bào sợi mỏng, bắp chuối thái mỏng để ăn kèm cùng bún riêu.
Mỡ heo đem rửa sạch, cắt miếng nhỏ hình vuông rồi đem chiên vàng, phần nước mỡ heo có thể giữ lại để chiên các nguyên liệu khác.
Đậu hũ cắt nhỏ miếng vừa ăn đem chiên vàng.
Hành lá rửa sạch cắt khúc dài khoảng 3cm.
Hành tím lột vỏ cắt lát mỏng đem chiên vàng. Sau khi chiên vàng hành tím thì cho phần tóp mỡ vào chiên sơ rồi để ráo.
Cà chua rửa sạch, cắt múi cau. Xào sơ cà chua đã cắt với một ít nước mỡ heo và một ít dầu điều trong khoảng 5 phút.
Tôm khô ngâm nước cho mềm rồi đem chiên.
Làm chả hấp
Trộn đều giò sống cùng 2 cái lòng đỏ trứng gà, bột ngọt, hành lá cắt nhỏ và một ít nước riêu cua đã lọc rồi cho vào khuôn. Đem hỗn hợp hấp chín, sau đó đem khay riêu cua lên bếp ga đun lửa nhỏ cho riêu hấp ra hết nước. Đem chắt phần nước đó vào nồi nước riêu. Phết lên bề mặt chả cua một ít gạch cua đã xào để tạo màu vàng và tăng hương vị.
Làm chả hấp với giò sống và nước riêu cua
Nấu nước dùng
Cho phần gạch cua vào đảo với dầu điều cho màu sắc bắt mắt. Múc gạch cua vào nồi nước đã nấu riêu. Nêm nếm gia vị với muối, bột ngọt, nước mắm và một chút mắm tôm.
Sau đó cho phần cà chua, đậu hũ, hành lá cắt khúc vào nồi đun cho tới khi cà chua chín rồi bắt bếp.
Nước dùng thơm ngon, bắt mắt
Thành phẩm
Phần bún tươi trần qua với nước rồi cho vào tô. Chả cua hấp cắt miếng vừa ăn.
Chan nước riêu cua cùng đầy đủ cà chua, đậu hũ, hành lá vào và thưởng thức cùng với phần rau sống ăn kèm đã được chuẩn bị ở trên. Bún riêu cua thường được ăn kèm với rau sống và mắm tôm.
Món bún riêu cua với nước dùng thanh ngọt sẽ đem đến hương vị đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam. Ngon và dễ ăn mà lại còn mang hương vị dân dã và độc đáo, bún riêu cua mang một nét riêng không thể tìm thấy ở bất cứ món ăn nào khác. Nhất là trong những ngày thời tiết mưa lạnh, còn chần chờ gì mà không vào bếp trổ tài nấu bún riêu cua với cách nấu bún riêu cua cực đơn giản này nhé.
Một số lưu ý để nấu được món bún riêu cua ngon
- Khi lọc nước cua, các bạn không nên dùng rây vì sẽ không lấy được thịt cua. Cho từ từ nước vào phần cua đã xay, khuấy đều rồi đợi phần xương lắng xuống đáy thì gạn lấy phần trên. Khi đó sẽ thu được cả thịt cua và nước.
- Khi chiên mỡ heo nên giữ lại phần nước mỡ để chiên các nguyên liệu khác sẽ giúp phần nước riêu thơm ngon, béo ngậy hơn là dùng dầu ăn.
- Nên dùng giò sống hấp riêu thay vì thịt xay vì hỗn hợp giò sống sẽ giúp phần chả hấp mềm và thơm hơn.
- Tùy theo khẩu vị của gia đình nên cân nhắc gia giảm phần gia vị cho phù hợp, có thể không cho mắm tôm.
Trên đây chính là công thức nấu bún riêu cua ngon đơn giản tại nhà, chúc các bạn thành công nấu được món bún riêu cua và cùng gia đình thưởng thức thành phẩm tuyệt vời nhé!!!
Bài viết cách nấu bún riêu cua được thực hiện bởi:
Họ và tên sinh viên: Đỗ Thanh Tâm
Mã học phần: INE3104 8
Mã sinh viên: 20050928
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Top 7 quán Bánh mì Hà Nội ngon “nhức nách” không thể bỏ qua
Bỏ túi 11 đặc sản 3 miền du khách nhất định phải thử khi đến Việt Nam
Mách bạn những món ăn ngày Tết 3 miền thơm ngon mới lạ đãi khách