Xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.
Đô thị hóa là quá trình tất yếu diễn ra trên thế giới. Nó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống con người. Mặt khác, quá trình này cũng gây ra những xáo trộn xã hội. Chính quyền nhiều thành phố phải đối mặt với các vấn đề như khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe, đói nghèo, cơ sở hạ tầng…
Để vượt qua các thách thức trên, chính quyền nhiều thành phố phải tìm ra các giải pháp thức thời hơn. Đô thị thông minh (smart city) chính là giải pháp chiến lược, tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội này.
Bài viết dưới đây sẽ đi tìm hiểu khái niệm đô thị thông minh và khám phá những điểm đặc biệt ở Top 7 đô thị thông minh trên thế giới năm 2021.
Nội dung tóm tắt
Đô thị thông minh là gì?
Đô thị thông minh hay Thành phố thông minh có tên Tiếng Anh là Smart City. Về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Cho đến nay, chưa có một tiêu chuẩn chính thức nào để đánh giá một thành phố là đạt chuẩn đô thị thông minh, nhưng nhìn chung, điều kiện đối với đô thị thông minh là sự tổng hợp nhiều yếu tố về hạ tầng, công nghệ, môi trường, kinh tế, cộng đồng,… nên hầu hết các thành phố hiện đại ở các quốc gia phát triển mới đáp ứng được hết những yêu cầu này.
Top 7 đô thị thông minh trên thế giới năm 2021
Singapore, Zurich và Oslo là 3 thành phố thông minh nhất thế giới theo Smart City Index 2021. Đây là báo cáo thường niên do Viện Phát triển Quản lý (IMD) và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) thực hiện, xếp hạng thành phố dựa trên dữ liệu kinh tế và công nghệ cùng với nhận thức của người dân về mức độ “thông minh” của thành phố.
IMD cho biết: Trở thành một đô thị thông minh được công nhận trên toàn cầu hiện nay rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thu hút nguồn nhân lực tài năng. Điều này tạo ra một chu kỳ phát triển của các nhóm thành phố tiên tiến trên thế giới.
Dưới đây là 7 thành phố dẫn đầu thế giới về các dự án phát triển đô thị thông minh.
#1. Thành phố Singapore
Theo các báo cáo của IMD, Singapore đã giữ vị trí đô thị thông minh nhất thế giới trong vòng 3 năm liên tiếp nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai chương trình Smart Nation (Quốc gia thông minh) kể từ năm 2014.
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy người dân cả nước ứng dụng thiết bị và công nghệ thông minh vào đời sống, Chính phủ Singapore đã thực hiện 5 dự án chiến lược bao gồm: Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; Cổng thanh toán điện tử; Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước; Nền tảng giao thông đô thị thông minh và Moments of Life.
Bên cạnh Smart Nation, Virtual Singapore là một bước đột phá lớn trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Công cụ này cho phép Chính phủ quan sát hoạt động của toàn bộ kết cấu hạ tầng của thành phố theo thời gian thực và theo dõi tình hình an ninh, mật độ dân cư, chất lượng không khí,…
#2. Thành phố Zurich (Thụy Sĩ)
Zurich là thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ và cũng là thủ đô bang Zurich. Đây là trung tâm văn hóa và thương mại lớn nhất cả nước. Zurich được đánh giá là thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới.
Zurich (Thụy Sĩ) đã vượt Helshinki (Phần Lan) và trở thành đô thị thông minh thứ hai thế giới trong năm 2021 nhờ dự án đèn đường. Zurich đã giới thiệu một loạt đèn đường thích ứng với mức độ giao thông bằng cách sử dụng các cảm biến, giúp tăng độ sáng hoặc độ mờ cho phù hợp, cho phép tiết kiệm 70% năng lượng.
Kể từ đó, Zurich đã mở rộng hệ thống đèn đường thông minh trên toàn thành phố và thiết lập một loạt các công nghệ cảm biến có thể thu thập dữ liệu môi trường, đo lường luồng giao thông và có thể hoạt động như một ăng-ten wifi công cộng. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, kết nối hệ thống sưởi, điện và làm mát của thành phố cũng đã được chứng minh là có hiệu quả cao.
#3. Thành phố Oslo (Na Uy)
Với lượng dân số lên đến gần 1 triệu người, Oslo luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trên diện rộng, nhất là các giải pháp giao thông thông minh. Thành phố đã triển khai kế hoạch cho tất cả các phương tiện giao thông sử dụng điện vào năm 2025. Các ưu đãi dành cho ô tô không phát thải bao gồm: miễn phí đỗ xe, sử dụng làn đường dành cho xe buýt điện, giảm giá thu thuế và phí.
Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Oslo đang tiến hành các dự án đô thị thông minh khác như phát triển các khu xây dựng không phát thải và các tòa nhà có hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn.
#4. Thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)
Đài Bắc đã chứng kiến một sự phát triển vượt bậc khi vươn từ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm 2020 lên vị trí thứ 4 vào năm 2021 nhờ quy hoạch bài bản và có cơ sở hạ tầng rất tốt, nhất là hệ thống công trình, đường sá và phương tiện giao thông hiện đại. Đài Bắc là thành phố hàng đầu thế giới trong các hoạt động hướng vào nền kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên.
Ngoài ra, người dân nơi đây cũng đánh giá cao các hoạt động công cộng như dịch vụ tái chế, nguồn lực y tế, giáo dục, giao thông công cộng, an ninh cộng đồng,… cho thấy thành quả đáng kể của Đài Bắc trong việc phát triển đô thị thông minh một cách toàn diện.
#5. Thành phố Lausanne (Thụy Sĩ)
Lausanne là thành phố nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ. Đây là một thành phố trẻ, nổi tiếng với lĩnh vực nghiên cứu và học thuật. Và từ rất lâu, Lausanne được các tập đoàn đa quốc gia như Philip Morris, Marlboro, Toblerone… chọn làm nơi đặt trụ sở chính. Những khu mua sắm sầm uất với đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những cửa hàng đồng hồ Thụy Sĩ cũng xuất hiện tại nơi đây.
Năm 2021, lần đầu tiên Lausanne lọt top các đô thị thông minh trên thế giới. Tương tự như Zurich, thủ đô Vaud đạt điểm xuất sắc về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các lĩnh vực giáo dục trường học, dịch vụ y tế, không gian xanh, hoạt động văn hóa và thiết bị tái chế và y tế. Tuy nhiên, thành phố này đang phải đối mặt với các vấn đề như tắc nghẽn đường xá, ô nhiễm không khí và thiếu nhà ở giá rẻ.
#6. Thành phố Helsinki (Phần Lan)
Helsinki là thủ đô, là trung tâm chính trị, giáo dục, tài chính, văn hóa và nghiên cứu, đồng thời là thành phố đông dân nhất tại Phần Lan. Helsinki là một trong những thành phố có mức sống cao nhất thế giới. Năm 2011, tạp chí Monocle của Anh xếp Helsinki là thành phố đáng sống nhất trên toàn cầu.
Helsinki đã đặt mục tiêu trung hòa carbon và giảm lượng khí thải giao thông xuống 69% vào năm 2035 với các biện pháp như chuyển toàn bộ đội xe buýt thành phố sang điện và mở rộng mạng lưới sạc xe điện và xe điện ngầm. Vì hệ thống sưởi chiếm hơn một nửa lượng khí thải, Helsinki tập trung vào việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình cải tạo, có thể giảm 80% lượng khí thải từ các tòa nhà của thành phố.
#7. Thành phố Copenhagen (Đan Mạch)
Copenhagen, thủ đô Đan Mạch được công bố là một trong những thành phố xanh nhất thế giới, và cũng là nơi người dân hạnh phúc nhất trái đất.
Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, là một phòng thí nghiệm được ưa thích để thử nghiệm và phát triển các công nghệ đô thị thông minh, nhờ sự hợp tác dễ dàng với các học viện, khu vực công và ngành công nghiệp.
Thành phố được đánh giá cao bởi những sáng tạo về cơ sở hạ tầng, công nghệ và kinh doanh, đáng chú ý hệ thống quản lý giao thông thông minh giúp lưu thông thuận lợi, khắc phục tình trạng tắc đường. Chẳng hạn, hơn 90% đèn giao thông ở đây được kiểm soát từ trung tâm, hầu hết có cảm biến để báo hiệu đường cho xe buýt…
Với nền tảng này, Copenhagen đặt mục tiêu trở thành một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới có mức phát thải bằng không vào năm 2025.
Kết luận
Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sinh sống tại khu vực đô thị. Trong bối cảnh gia tăng dân số nhanh chóng tại các khu vực thành thị đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp đến môi trường đô thị, việc áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên bức thiết.
Xu hướng đô thị thông minh đang nở rộ khắp thế giới với 118 thành phố được đưa vào bảng xếp hạng Smart City Indexing 2021. Điểm qua Top 7, có thể thấy tuy mô hình và cách thức quy hoạch là khác nhau nhưng mục tiêu chung nhất của các đô thị thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân tại đó.
IMD cảnh báo rằng các đô thị nghèo sẽ rất dễ bị tụt hậu và phải đối mặt với nhiều bất lợi. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và những hành động cụ thể của Chính phủ và công dân toàn cầu trên con đường xây dựng đô thị thông minh nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Đọc thêm những nguồn tham khảo liên quan đến chủ đề:
- Top 7 đô thị thông minh trên thế giới năm 2020
- Top 10 đô thị thông minh trên thế giới theo ASME
- Smart City Expo World 2021
Đọc thêm những bài viết khác về Sức khỏe đô thị tại đây
Bùi Quỳnh Hương (19051093).