Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0: Định hình thành công trong môi trường kinh doanh số

Văn hóa doanh nghiệp

Trong thời đại công nghệ 4.0, văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để các tổ chức thích nghi và phát triển trong môi trường kinh doanh số. Văn hoá doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và nhân viên, mà còn định hình cách thức tổ chức hoạt động và tạo giá trị cho khách hàng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hoá doanh nghiệp trong thời đại 4.0 và tầm quan trọng của nó trong thành công của doanh nghiệp.

Nội dung tóm tắt

1. Khái niệm văn hoá doanh nghiệp trong thời đại 4.0

Văn hoá doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi làm nên thành công trong mỗi tổ chức

Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm mô tả các giá trị, quy tắc, thái độ, và hành vi chung mà tổ chức xây dựng và thúc đẩy trong môi trường làm việc của mình. Nó là tập hợp các nguyên tắc và quy định không chỉ hướng dẫn cách làm việc mà còn thể hiện những giá trị và niềm tin cốt lõi của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì định hình bức tranh tổng thể về cách làm việc, giao tiếp và tương tác trong tổ chức.

Một văn hoá doanh nghiệp mạnh và tích cực giúp xác định nhận dạng và danh tiếng của một doanh nghiệp. Nó cung cấp một nền tảng chung cho tất cả các thành viên trong tổ chức để định hình hành vi và quyết định trong quá trình làm việc hàng ngày. Văn hoá doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ quy trình làm việc, quản lý nhân sự, tới định hướng chiến lược và tương tác với khách hàng.

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, một “chỉ số” đánh giá về năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong CMCN 4.0. Nói cách khác, doanh nghiệp có phát triển bền vững trong CMCN 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. 

2. Những yếu tố nào hình thành nên văn hóa doanh nghiệp 

 Yếu tố hình thành nên văn hóa doanh nghiệp

Nếu xem văn hoá doanh nghiệp như một bức tranh lớn thì để tạo nên tổng thể hoàn hảo cần có sự kết hợp của những mảnh ghép quan trọng. Một trong số đó phải kể đến những yếu tố quan trọng như sau:

  • Con người/ lãnh đạo: Nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao của công ty là người có tầm ảnh hưởng lớn đến văn hoá của tổ chức đó. Vì vậy, những suy nghĩ, hành vi, thói quen của họ sẽ quyết định môi trường làm việc của công ty đó. 
  • Tầm nhìn: Một nền văn hoá hoàn hảo sẽ được bắt đầu từ một tầm nhìn đa diện. Từ tầm nhìn đó sẽ cho ra những mục tiêu xa hơn, từ đó giúp định hướng bước đi rõ ràng hơn. 
  • Giá trị cốt lõi: Cốt lõi văn hoá chính là giá trị của một doanh nghiệp. Nếu tầm nhìn giúp doanh nghiệp đi đúng hướng thì giá trị cốt lõi sẽ là thước đo để cân chỉnh những quan điểm, hành vi giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đặt ra.

3. Tác động của CMCN 4.0 đến văn hóa doanh nghiệp 

Tác động của CMCN 4.0 đến văn hóa doanh nghiệp

Các nghiên cứu cho thấy, CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều tác động đến nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Cụ thể:

Tác động tích cực

– Giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động bởi trong CMCN 4.0, người máy có thể thay thế con người trong nhiều khâu, nhiều công đoạn trong sản xuất. Tuy nhiên, người máy, trí tuệ nhân tạo khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối… – những yếu tố mang lại sự sáng tạo, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, công việc tối ưu.

– Thay đổi về cách thức điều hành trong doanh nghiệp. Trong CMCN 4.0, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay cho văn hóa áp đặt. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay, văn hóa “áp đặt” được áp dụng rất phổ biến để đảm bảo người lao động tuân thủ quy trình, chấp hành nội quy làm việc nhằm đạt kết quả công việc mong muốn. 

– Thay đổi nếp nghĩ, cách làm việc của người lao động. Văn hóa doanh nghiệp được kiến tạo, bồi đắp bởi những nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên để tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. CMCN 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, cũng đồng nghĩa với việc giúp cho người lao động trở nên chuyên nghiệp, đa năng hơn.

Tác động tiêu cực

– Với sự thay thế của máy móc và các công cụ quản lý mới, con người có thể được phân công theo năng lực, đánh giá hiệu quả công việc rất rõ ràng. Dẫn đến người lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến hiệu quả mỗi cá nhân làm được mà không để ý đến các khâu trung gian. Trong một doanh nghiệp, cơ chế quản lý cứng nhắc, độc đoán sẽ làm nhân viên sợ hãi, thụ động và thờ ơ hoặc tìm cách đối phó lãnh đạo.

– CMCN 4.0 có thể làm suy giảm tính đoàn kết, tính tập thể, sự sẻ chia. Trong một môi trường như vậy, các giá trị nền tảng mang tính nhân văn để tạo nên văn hóa doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi con người được ví von “làm việc không khác gì cỗ máy”.

– CMCN 4.0 mang lại những quy trình, cách thức rõ ràng nhưng có thể làm suy giảm nhu cầu sáng tạo và đặc biệt có thể tạo ra tâm lý sợ rủi ro. Tâm lý này đè nặng lên người lao động trong khi sự cạnh tranh về công việc trở nên càng phức tạp. Sự cạnh tranh thiếu công bằng hoặc thiếu văn hóa bắt nguồn từ tâm lý sợ rủi ro có thể dẫn đến sự xói mòn về văn hóa doanh nghiệp, hoặc làm ảnh hưởng đến sự phát triển được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong doanh nghiệp. 

4. Lợi ích của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0

Lợi ích của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần thiết phải xây dựng văn hóa cho riêng mình. Bởi vì: 

Quy định hình ảnh thương hiệu 

Văn hóa doanh nghiệp thể hiện cách mà bạn kinh doanh như thế nào, cách mà nhân viên của bạn tương tác với khách hàng và đồng nghiệp ra làm sao và cách mà chủ doanh nghiệp đối đãi với nhân viên của mình có tốt không. Đây là yếu tố tạo nên hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt khách hàng cũng như nhân viên. Từ đó tăng hiệu quả công việc và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.

Phản ánh các giá trị cốt lõi

Văn hóa doanh nghiệp giúp chủ doanh nghiệp xây dựng những giá trị cốt lõi, định hướng các mục tiêu, cách thức làm việc, thái độ nhân viên. Mục đích xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực, một môi trường làm việc hiệu quả, đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra.

Quy định thái độ làm việc

Nhân viên có xu hướng gắn bó với môi trường làm việc coi trọng công sức họ bỏ ra. Đó không chỉ là lương, thưởng, mà còn là một môi trường làm việc cởi mở với đồng nghiệp thân thiện, sếp luôn nghĩ cho nhân viên. 

Gắn kết nội bộ và thu hút ứng viên tiềm năng

Bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và phối hợp hành động. Khi có sự bất đồng quan điểm thì văn hoá chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất. Đồng thời, môi trường làm việc tích cực, thân thiện, cởi mở sẽ thu hút được các ứng viên tiềm năng hơn.

5. Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0 

Văn hoá trao quyền

Nếu xây dựng văn hoá theo cách truyền thống các cấp quản lý thường “ôm” hết việc thì văn hoá doanh nghiệp thời đại 4.0 sẽ hướng đến phong cách trao quyền. Theo đó, thay vì “cầm tay chỉ việc” từng cá nhân thì tổ chức sẽ có xu hướng sang giao kết quả để nhân viên tự do thực hiện làm sao để đạt được mục tiêu được đặt ra.

Bên cạnh đó, cấp lãnh đạo, quản lý sẽ phân chia công việc ra nhiều mảng khác nhau và tạo cơ hội để mỗi nhân viên đều có thể được trải nghiệm. Với văn hoá này, nhân viên sẽ trở nên đa năng hơn, đồng thời còn rèn luyện tính tự chủ cũng như tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cần có những chuẩn bị để cung cấp cho đội ngũ nhân viên sự hỗ trợ kịp thời nhất.

Văn hoá doanh nghiệp thời đại 4.0 sẽ hướng đến phong cách trao quyền

Văn hoá làm gương

Làm gương là cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả đang được nhiều tổ chức quan tâm hiện nay. Văn hoá làm gương sẽ giúp cho những triết lý giá trị của văn hoá không chỉ là khẩu hiệu mà còn là một nền văn hoá thực sự bền vững. Theo đó, nếu muốn nhân viên nghiêm túc làm việc, lãnh đạo cần tuân thủ các quy định trong công việc.

Nếu muốn nhân viên ghi nhận và hỗ trợ lẫn nhau, lãnh đạo cũng cần có sự ghi nhận và khen thưởng xứng đáng những nỗ lực của nhân viên. Hoặc nếu muốn nghe những chia sẻ thẳng thắn thì lãnh đạo cũng cần mạnh dạn mở lòng chia sẻ từ góc nhìn của mình trước. Với cách vận hành này, dần dần doanh nghiệp sẽ được hoạt động trong một môi trường công bằng, lành mạnh và phát triển. 

Văn hoá Training

Văn hoá Training là hoạt động huấn luyện, đào tạo giúp cá nhân, phòng ban phát triển vượt trội hơn. Bên cạnh việc phát triển năng lực, Training còn giúp thúc đẩy hiệu suất, truyền cảm hứng, kích thích tư duy cũng như phát huy tối đa óc sáng tạo của nhân viên. Việc đào tạo không chỉ áp dụng cho những nhân viên mới vào công ty mà ngay cả những nhân viên làm lâu năm cũng cần có lộ trình đào tạo cụ thể.

Đặc biệt khi doanh nghiệp có những đổi mới về chiến lược kinh doanh hay dự án mới thì công ty cần tổ chức các buổi training để nâng cao chuyên môn, kiến thức nhằm thúc đẩy quá trình hoàn thiện công việc. Nếu văn hoá đào tạo được xây dựng bài bản và duy trì thường xuyên thì sẽ tạo nên một lớp nhân viên ham học hỏi, kỹ năng được rèn luyện bài bản.

Thông qua đó, giúp níu giữ chân nhân viên vì họ được trau dồi kỹ năng cũng như nhận được nhiều giá trị trong quá trình làm việc. 

Văn hoá Training là hoạt động cần thiết trong mỗi doanh nghiệp

Văn hoá Startup

Văn hoá Startup là những hoạt động khuyến khích sự đổi mới, cách tân và không ngừng sáng tạo, tư duy khác biệt. Đặc biệt là sẵn sàng đón nhận những thay đổi lẫn rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động.

Văn hoá Startup sẽ luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo và thử nghiệm những điều mới mẻ, thực hiện những ý tưởng khác biệt mà chưa ai dám làm cũng như chào đón những thay đổi và xem đó như một điều hiển nhiên. Với văn hoá này, doanh nghiệp sẽ được vận hành một cách linh hoạt với tư duy mở và có thể theo kịp những xu hướng biến đổi của xã hội.  

Văn hóa Start up

6. Giải pháp thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu để phát triển đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bên cạnh đó, Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.

Trong 2 năm 2020-2021, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch.

Đội ngũ doanh nhân đóng góp quan trọng vào những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời gian qua. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước, thậm chí gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới…

Có thể nói, trong những năm gần đây, văn hóa doanh nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn, thể hiện được tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đây chính là những nét văn hóa doanh nghiệp nền tảng hết sức quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục kiến tạo những giá trị văn hóa dưới tác động của kỷ nguyên số.

Kết luận

Trong CMCN 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người thực hiện rất nhiều công việc từ đơn giản đến phức tạp với quy trình xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có những nhiệm vụ, những giá trị khó có thể thay thế bởi robot mà cần có con người thao tác, điều hành.

Nói cách khác, dù thành tựu của CMCN 4.0 có rất nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực song yếu tố văn hóa DN không thể lu mờ, hay mất đi. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của mình nhằm hài hòa những lợi ích, thách thức giữa công nghệ và giá trị văn hóa để giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.  

Người thực hiện: Hoàng Thị Hồng

Mã sinh viên: 21050867

TÀI LIỆU THAM KHẢO  

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Và các bước xây dựng chi tiết

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0

Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số

ĐỀ XUẤT 

Tổng hợp 15 phong tục ngày Tết cổ truyền thiêng liêng của Việt Nam

Tổng hợp 12 lễ hội Hà Nội đặc sắc nhất nên tham dự ít nhất 1 lần trong đời

5 điều thú vị của văn hóa Hà Nội