Phong tục truyền thống – “Hương vị” làm nên Tết Việt 2024

Phong tục truyền thống - "Hương vị" làm nên Tết Việt

Tết là một dịp quan trọng cho những người con xa quê trở về quê hương, sum vầy cùng người thân, để sẻ chia và trao gửi yêu thương, để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, để truyền lại cho thế hệ mai sau những giá trị bất diệt của gia đình, tình thân. 

Tết Việt, đặc sắc và độc đáo. Ăm ắp trong ấy là giá trị nhân văn sâu sắc của một dân tộc cần cù siêng năng lao động, là những phong tục truyền thống độc đáo của quốc gia là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, là những triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc của người Việt Nam. 

Theo thời gian, hòa cùng nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại, có những phong tục đã bị thay đổi hoặc biến mất nhưng vào mỗi độ Tết đến Xuân về, những phong tục đón tết dường như đã trở thành “một phần tất yếu” không thể lãng quên.

Nội dung tóm tắt

1. Chợ Tết

Không giống với những phiên chợ ngày thường, chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn, mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm những đồ dùng thiết yếu trong ngày Tết mà còn để gặp mặt nhau trò chuyện, tận hưởng cái không khí ngày giáp Tết

Không khí nhộn nhịp chợ phiên ngày Tết
Không khí nhộn nhịp chợ phiên ngày Tết

Chợ Tết thường được diễn ra trên một bãi đất rộng, ở đó có bán đủ các thức đồ cần thiết, người lớn thì sắm đồ Tết, trẻ con cũng lẽo đẽo theo sau để được bà, được mẹ mua cho bộ quần áo mới, ai nấy đều tay cầm giỏ nặng trĩu.

2. Tống cựu nghinh tân ngày Tết

Có thể hiểu là Tiễn cái “Cũ” – Đón cái “Mới”. Phong tục này thường được thể hiện rõ ràng nhất thông qua truyền thống dọn dẹp nhà cửa, sửa sang, trang hoàng nhà cửa hay sắm sửa quần áo mới. Không chỉ sửa soạn bề ngoài mà ngay cả trong tâm trí, mọi người cũng sẽ tránh những âu lo, hiềm khích diễn ra trong những ngày Tết để ngày đầu Xuân năm mới, ai ai cũng đều vui vẻ và thảnh thơi. Những việc làm nhỏ này đều gửi gắm niềm hy vọng về một năm mới an lành và may mắn sẽ đến với tất cả các thành viên trong gia đình.

Gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón Tết
Gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón Tết

3. Phong tục truyền thống “Tiễn ông Công, ông Táo về trời”

Theo truyền thống của người Việt Nam ta, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình. 

Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.

Mâm cơm cúng ông Công ông Táo
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo ngày Tết

4. Phong tục gói bánh ngày Tết

Một phong tục ngày Tết được xem như là đặc trưng không thể thiếu và được rất nhiều gia đình vẫn giữ đến hiện tại chính là gói và nấu bánh chưng, bánh tét. 

Phong tục gói bánh ngày Tết
Phong tục gói bánh ngày Tết

Bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho hình dáng của đất. Vỏ bánh được gói bằng lá dong, bên trong có gạo nếp với nhân là đậu xanh, thịt heo. Bánh chưng mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện sự biết ơn của con cháu với cha ông, đất trời. 

Bánh tét có hình dáng trụ tròn, được gói bằng lá chuối tươi và quấn chặt xung quanh bằng gân lá. Phần nhân bên trong cũng tương tự như bánh chưng. Bánh tét mang ý nghĩa nhân sinh cao cả, như hình ảnh người mẹ bọc lấy, che chở cho các con. 

Dù có hình dạng khác nhau nhưng cả hai loại bánh chưng và bánh tét còn mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội; hay tượng trưng cho một năm mới gia đình luôn được sung túc, đủ đầy, bình an.

5. Phong tục “Tảo mộ”

Tảo mộ (một số nơi gọi là chạp mả) là một trong những truyền thống để bày tỏ lòng biết ơn nguồn cội của người Việt. Từ 23 đến 30 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, con cháu từ khắp nơi đều sẽ trở về quê cha đất tổ để dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất không gian xung quanh mồ mả của ông bà tổ tiên. Sau đó, mọi thành viên đều sẽ thắp nhang để báo cáo về thành tựu trong năm của mình cũng như mời vong linh tổ tiên về đoàn tụ với con cháu vào dịp Tết Nguyên Đán.

Tảo mộ - một phong tục phổ biến, thể hiện đạo hiếu và lòng biết ơn, kính trọng với đấng sinh thành, bậc tổ tiên đã khuất
Tảo mộ – một phong tục phổ biến, thể hiện đạo hiếu và lòng biết ơn, kính trọng với đấng sinh thành, bậc tổ tiên đã khuất

6. Bày mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Tùy vào từng vùng miền mà có những loại quả khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, mong sao một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.

Mâm ngũ quả với các loại trái như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài hay “CẦU SUNG VỪA ĐỦ XÀI” cũng là cách thể hiện mong muốn đón chào một năm mới với nhiều may mắn, tài lộc
Mâm ngũ quả với các loại trái như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài hay “CẦU SUNG VỪA ĐỦ XÀI” cũng là cách thể hiện mong muốn đón chào một năm mới với nhiều may mắn, tài lộc

7. Phong tục “cúng tất niên”

Theo dân gian, nguồn gốc của phong tục này là để tạ ơn Trời Đất. Hầu như nhà nào cũng có một mâm cỗ cúng tất niên với: một con gà luộc để nguyên không chặt, trái cây, mứt, bánh kẹo mỗi thứ một ít, hai cây nến, giấy tiền vàng mã và nhang (hương). Khi thời khắc Giao thừa đến thì đặt mâm cúng ở trước sân, đối diện giữa cửa chính, người chủ gia đình sẽ thắp nhang lạy tạ trời đất và cầu xin mọi điều tốt lành cho gia đình mình.

Mâm cơm cúng tất niên ngày Tết
Mâm cơm cúng tất niên ngày Tết

8. Phong tục “Xông đất đầu năm”

Xông đất hay còn được hiểu là những bước chân vào nhà đầu tiên trong ngày đầu Xuân năm mới (tức Mồng một Tết). Người Việt quan niệm rằng người xông đất sẽ quyết định sự may mắn, an lành và thịnh vượng của cả gia đình. Chính vì vậy mà gia chủ – đặc biệt là những thương nhân – thường sẽ mời những người hợp tuổi với mình đến xông đất với mong muốn người đó sẽ mang may mắn cho mình suốt cả năm. Người xông đất cần ăn mặc chỉnh tề và phải đi hết 1 vòng quanh nhà thì mới có thể mang may mắn đến cho gia chủ.

Phong tục xông đất đầu năm
Phong tục xông đất đầu năm

9. Đi chùa, hái lộc ngày Tết

Đi chùa, hái lộc là những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên. Trong đêm giao thừa, khi đi chùa người ta thường kết hợp hái lộc để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Hái lộc đầu năm mang một ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng trong đời sống của người Việt
Hái lộc đầu năm mang một ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng trong đời sống của người Việt

10. Chúc tết, mừng tuổi và lì xì đầu năm

Chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm con cháu thường sẽ tới mừng thọ ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi con, cháu với những chiếc phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con, cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới.

Gia đình sum vầy trong những ngày đầu xuân năm mới
Gia đình sum vầy trong những ngày đầu xuân năm mới

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.

*** Có thể bạn quan tâm:

Họ và tên: VŨ HƯƠNG DỊU

MSV: 21051362

Lớp: QH-2021-E KTPT CLC 4

Mã học phần: INE3104 7