4 NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân.

Sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thấy rõ hơn và mạnh hơn bao giờ hết. Nó không chỉ ảnh hưởng gián tiếp tới thiên nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Tác hại của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới chất lượng cuộc sống, để lại rất nặng nề, rất nhiều hệ lụy. Chúng làm biến đổi khí hậu, biến đổi hệ sinh thái chúng ta đang sinh sống, làm băng tan chảy, làm nước biển dâng, làm đất bị xâm nhập mặn…đó là minh chứng cho sự biến đổi khí hậu toàn cầu (hiệu ứng nhà kính) bắt nguồn từ sự ô nhiễm môi trường mà ra.

Vậy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay là gì? Bài viết dưới đây của Sức khỏe đô thị sẽ giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề này.

Nội dung tóm tắt

Ô nhiễm môi trường là gì?

Ô nhiễm môi trường (Environmental pollution) là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi. Các thay đổi này không phù hợp với những quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên… Bên cạnh đó, nó còn gây thiệt hại cho mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Phân loại ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn cầu, không riêng gì một quốc gia nào. Bởi chất lượng không khí đang ngày càng sụt giảm, bụi mịn có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người (phổ biến nhất là các bệnh về hô hấp) và hệ sinh thái (các cơn mưa axit phá hủy mùa màng, các cánh rừng, hiệu ứng nhà kính, các hiện tượng thiên nhiên trở nên bất thường).

Ô nhiễm đất

Ô nhiễm đất là hiện tượng suy thoái lớp đất nền trên bề mặt do rác thải và sự suy kiệt tài nguyên cũng như các hoạt động của con người. Điển hình như xả chất thải, sử dụng quá mức chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác khoáng sản, phá rừng làm xói mòn đất… Tại nước ta, với tốc độ gia tăng các ngành công nghiệp, đô thị hóa cùng sự tăng lên chóng mặt của dân số khiến đất bị thu hẹp, suy thoái và ngày càng ô nhiễm.

Ô nhiễm nguồn nước

Xếp sau ô nhiễm không khí là ô nhiễm nước. Môi trường nước bị ô nhiễm khi xuất hiện các chất lạ, nước biến đổi trở nên độc hại với sinh vật và con người, làm giảm độ đa dạng sinh vật, gây ra nhiều căn bệnh cho con người, lây lan làm ô nhiễm đất đai.

Ô nhiễm ánh sáng

Hẳn nhiều người chưa biết đến loại ô nhiễm này nhưng đây là loại ô nhiễm gây tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, làm rối loạn giấc ngủ và môi trường sống của con người. Cụ thể, ô nhiễm ánh sáng là tình trạng lạm dụng quá mức nguồn ánh sáng từ điện, điển hình ở các thành phố lớn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra ô nhiễm ánh sáng làm giảm khả năng tìm tòi học hỏi các hiện tượng thiên nhiên của trẻ, khi mà ánh sáng từ trăng, sao ngày càng bị hạn chế bởi sự lạm dụng ánh sáng điện.

Ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn là khi tiếng ồn môi trường vượt mức quy định gây khó chịu cho cả con người và động vật. Tiếng ồn xuất phát từ phương tiện giao thông, các hoạt động khai thác ngoài trời. Chúng làm gia tăng tình trạng stress, gây căng thẳng thần kinh, làm giảm thính lực ở con người và ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Với động vật chúng làm giảm khả năng săn mồi sinh sống.

Ô nhiễm nhiệt

Ô nhiễm nhiệt xảy ra khi nhiệt độ môi trường gia tăng quá cao. Chủ yếu do hoạt động giao thông, xả thải, tốc độ đô thị hóa… của con người. Ô nhiễm nhiệt khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng, gây sốc nhiệt, mất nước, khó chịu…

Ô nhiễm tầm nhìn

Ô nhiễm tầm nhìn nghĩa là không gian, môi trường sống của chúng ta không phù hợp, cản trở tầm nhìn bởi các nhà cao tầng… Loại ô nhiễm này gây khó chịu, ức chế cho con người, cản trở tầm nhìn gia tăng tai nạn giao thông.

> Tìm hiểu thêm: 9 tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe của bạn

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường

Ý thức của người dân

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân.

Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp và chính quyền…; trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng “chẳng ăn thua”, và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều.

Chính những suy nghĩ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy của việc bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau.

Người dân thờ ơ và thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường
Người dân thờ ơ và thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường

Theo quan sát tại các trường học ở Việt Nam, rất nhiều phụ huynh đưa con đi học đến cổng trường dừng lại ăn sáng, và sau khi ăn xong, thay vì bỏ hộp xôi, hộp bánh vào thùng rác thì họ lại vứt ngay tại chỗ. Mặc dù các trường học có treo rất nhiều tấm biển, khẩu hiệu cấm xả rác bừa bãi nhưng phụ huynh vẫn thản nhiên xả rác nơi công cộng. Tình trạng đó dẫn đến việc rất khó để hình thành ý thức tốt cho thế hệ trẻ về việc bảo vệ môi trường.

Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ, nhưng nếu nhiều người cũng có những hành động nhỏ như vậy thì nó sẽ trở thành vấn đề rất lớn. Một tờ giấy, một vỏ hộp sữa, túi ni lông… tuy nhỏ nhưng tích tụ lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, rác thải đọng lại sẽ gây ra tình trạng cống thoát nước bị kẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên.

Lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp thiếu trách nhiệm

Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường đó là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do quá đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít những doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, gây ô nhiễm môi trường đáng kể.

Nhà máy xả thải ra môi trường
Nhà máy xả thải ra môi trường

Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề, xả thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên.

Bên cạnh đó, chính sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước và của lãnh đạo các cấp cũng chính là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường.

Hoạt động giao thông vận tải cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Các quá trình tạo ra các khí gây ô nhiễm là quá trình đốt nhiên liệu động cơ: CO, CO2, SO2, NOX, Pb,CH4 Các bụi đất đá cuốn theo trong quá trình di chuyển. Nếu xét trên từng phương tiện thì nồng độ ô nhiễm tương đối nhỏ nhưng nếu mật độ giao thông lớn và quy hoạch địa hình, đường xá không tốt thì sẽ gây ô nhiễm nặng cho hai bên đường.

Báo động ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân
Báo động ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân

Hệ thống văn bản pháp luật chưa đủ chặt chẽ, thiếu đồng bộ

Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất,…

Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế… trong việc bảo vệ môi trường.

Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế chưa đủ mạnh.

Luật bảo vệ môi trường
Luật bảo vệ môi trường

Cụ thể, có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp “lì đòn” cũng không có hiệu quả.

Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.

Do môi trường tự nhiên

Ô nhiễm do tự nhiên là do sự bào mòn hay sự sụt lở núi đồi, đất ven bờ sông làm dòng nước cuốn theo các chất cơ học như bùn, đất, cát, chất mùn… hoặc do sự phun trào của núi lửa làm bụi khói bốc lên cao theo nước mua rơi xuống đất, hoặc do triều cường nước biển dâng cao vào sâu gây ô nhiễm các dòng sông, hoặc sự hòa tan nhiều chất muối khoáng có nồng độ quá cao, trong đó có chất gây ung thư như Arsen, Fluor và các chất kim loại nặng…

Núi lửa phun trào
Núi lửa phun trào

Điều đáng nói là tự nhiên vốn có sự cân bằng, nước bị ô nhiễm do tự nhiên sẽ được quá trình tuần hoàn và thời gian trả lại nguyên vẹn, tuy nhiên với con người thì khác, đó là một gánh nặng thêm với tự nhiên, khi dân số tăng quá nhanh và việc sử dụng nước sạch không hợp lý, không giữ vệ sinh môi trường sẽ phá vỡ cấu trúc tự nhiên vốn có.

Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới 

Theo UNICEF, thực trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới nói chung và thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói riêng hiện nay khá nóng và đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu đang ngày càng nóng hơn. Chất thải từ các công ty, xí nghiệp, khói bụi từ hoạt động của các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông,…

Đất nước ta mỗi ngày đang đối mặt với các mức độ ô nhiễm khác nhau, chuyển biến theo chiều hướng xấu và vô cùng nghiêm trọng. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay là điểm nóng trên các mặt báo và được nhiều cơ quan ban ngành cũng như dân chúng quan tâm.

Chủ đề nóng trên các kênh truyền thông hiện nay được cư dân cả nước và ban lãnh đạo, cũng như các mặt báo, ngành chức năng quan tâm là ô nhiễm môi trường. Và đáng quan tâm hơn cả là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, đây là vấn đề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không cần thông qua các phương tiện truyền thông, mà hằng ngày chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh đáng lo ngại đó, cũng như theo các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay trên cả nước.
Từ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nước ta, chúng ta có thể hiểu được tình trạng môi trường hiện nay và đưa ra hướng khắc phục hợp lý và hiệu quả nhất. Tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất tệ, đây là chính là lúc cần sự chung tay, chung sức của toàn đồng bào.
Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay
Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay

Kết luận

Ô nhiễm môi trường hiện nay đang là vấn đề đáng báo động không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn Thế giới, người ta ví như là một hồi chuông cảnh báo cho vấn đề môi trường sinh thái bị xâm hại mà hậu quả của nó mang tính hủy hoại đối với môi trường sống.

Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng giải quyết, điều đó cần rất nhiều thời gian cũng như công sức của từng con người. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta hãy tự nâng cao ý thức của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống của mỗi người.

Nhà nước cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội và đưa ra những chính sách cụ thể, rõ ràng, có tính đồng nhất cao để góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm, hướng tới môi trường xanh – sạch – đẹp. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người nói riêng và toàn nhân loại nói chung.

Môi trường sống xanh - sạch - đẹp
Môi trường sống xanh – sạch – đẹp

Nguyễn Mai Anh (19051283)

Bài viết liên quan đến chủ đề:

11 thoughts on “4 NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM

  1. Dũng Bình says:

    Bài viết rất cụ thể và chi tiết. Phù hợp với thời đại.

  2. Hương says:

    Bài viết rất thực tế. Cảm ơn người viết viết rất cụ thể.

  3. Huong says:

    Bài viết này rất hay và thiết thực với tình hình hiện nay

  4. Huong says:

    Mong rằng mỗi người dân ngày càng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, các chính sách Nhà nước không đánh đổi môi trường lấy lợi ích khác. Cảm ơn tác giả đã góp tiếng nói nhỏ trong một vấn đề lớn mang tính toàn cầu.

  5. Thu Ngân says:

    Bài viết rất có ý nghĩa với việc bảo vệ môi trường.

Comments are closed.