Dòng nhạc City Pop là gì? Sự hồi sinh trong thế kỉ 21

Dòng nhạc City Pop là gì? Sự hồi sinh trong thế kỉ 21

Bối cảnh ra đời, mục đích và định nghĩa của dòng nhạc City Pop

Với những người thường xuyên nghe nhạc trực tuyến trên Youtube thì giai điệu quen thuộc của bài hát Plastic Love – Mariya Takeuchi được người ta ví như là thánh ca của dòng nhạc City Pop. Plastic Love là một hiện tượng âm nhạc lớn nhất bất ngờ được hồi sinh thần kỳ nhờ thuật toán của Youtube vào năm 2015-2017. Thực chất Plastic Love nằm trong album Variety thuộc dòng nhạc City Pop đến từ Nhật Bản, bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970 ở các đô thị lớn như Tokyo hay Osaka. Khó có thể định nghĩa cụ thể dòng nhạc City Pop mới mẻ lúc bấy giờ nhưng nhiều người cho rằng nó là sự kết hợp của Synth Pop, Disco và Soft Rock ở phương Tây cùng sự sáng tạo của người Nhật. 

Tấm bìa cover của Plastic Love trong album Variety của Mariya Takeuchi-Album tiêu biểu của dòng nhạc City Pop
Tấm bìa cover của Plastic Love trong album Variety của Mariya Takeuchi

Thưởng thức ngay ca khúc Plastic Love-Mariya Takeuchi

Xét theo định nghĩa chính xác về dòng nhạc City Pop thì vào những năm 70s, ban đầu nó được gọi là “City Music” và cũng được xem là thể loại mới ở Nhật Bản nên còn được gọi là “New Music”, nhà báo Tono Kiyokazu cũng đã nhấn mạnh rằng đây là một từ ngữ cảm tính, theo ông: “New Music, City Music chỉ đơn giản là âm nhạc nói về đời sống đô thị”. Nói sơ qua về hoàn cảnh lúc bấy giờ và sẽ nhắc đến rõ hơn ở phần sau, tiếp nối làn sóng “phản văn hoá” thập niên trước, nhiều người trẻ có cảm giác bất mãn với thời đại và tìm cách trốn tránh khỏi thực tại, vì thế văn hoá Disco ra đời nhằm mục đích tạo ra cho những con người này khoảng thời gian nhảy múa tại các hộp đêm, tạm quên đi thực trạng xã hội. Mặc dù không tồn tại lâu song Disco đã tạo ra được một làn sóng văn hoá mạnh mẽ trên thế giới. Ở Việt Nam, đó là Rasputin, Daddy Cool, River of Babylon của ban nhạc Boney M được phát ở khắp các vũ trường. Còn ở Nhật Bản, Disco chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho sự ra đời của dòng nhạc City Pop.  

Disco là niềm cảm hứng cho sự ra đời của dòng nhạc City Pop
Ban nhạc Boney M biểu diễn tại lễ hội âm nhạc Sopot 1976

Để có thể hiểu dòng nhạc City Pop một cách trọn vẹn nhất, chúng ta sẽ cùng điểm qua bối cảnh ra đời, mục đích và định nghĩa. Sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản là một đống đổ nát khi vừa chịu ảnh hưởng từ việc thua trận vừa gánh chịu những đòn trừng phạt nặng nề từ các nước đối lập. Đứng trước nguy cơ của sự tụt hậu, chính phủ Nhật đã thực hiện một loạt cải cách từ chính trị đến kinh tế chưa từng có. Kết quả là chỉ trong vòng 20 năm từ 1955-1973 Nhật Bản đi lên từ nghèo khó trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ sau nước đã thả 2 trái bom trừng phạt họ là Mỹ. Những năm đầu thập niên 70 có thể coi là đỉnh cao của sự hồi phục và phát triển của kinh tế Nhật Bản khi chỉ số GDP liên tiếp tăng trưởng đến 2 con số. Đời sống của người dân cũng từ đó mà thay đổi chóng mặt nhờ sức mạnh của đồng tiền. Người dân Nhật Bản bị cuốn vào một cơn lốc tiêu dùng cực lớn hay người ta còn gọi nó là sự hưởng thụ xa xỉ. Những mặt hàng hào nhoáng như quần áo đắt tiền, rượu nhập khẩu, du lịch và nghệ thuật trở thành món ăn hàng ngày của họ. Vào buổi sáng những công xưởng và văn phòng có thể đầy ắp công nhân, nhân viên đi làm chăm chỉ thì khi đêm xuống lại là những cuộc chơi hết mình trong các quán bar với ánh sáng mờ ảo tràn ngập mùi rượu và nước hoa, những sàn nhảy Disco hay là các nhà hàng cao cấp kiểu tây. Các mặt hàng tranh ảnh, và âm nhạc được tiêu thụ với số lượng khổng lồ. Vào ngày nghỉ thì đó là những chuyến vi vu khắp cả nước trên chiếc xế đắt tiền, thậm chí là cả du lịch nước ngoài. Đúng là làm đã căng, chơi còn căng hơn! Và họ cần một soundtrack hợp mood cho lối sống hưởng thụ xa hoa này, thế là dòng nhạc City Pop đã ra đời.

 

Nhắc đến sự phát triển theo dòng lịch sử của dòng nhạc City Pop thì chúng ta không thể không kể đến Haruomi Hosono, là một ngôi sao cực lớn của nền âm nhạc Nhật Bản. Ông lớn lên trong thời kỳ có sự giao lưu văn hoá lớn với âm nhạc Mỹ, Haruomi đã thành lập ban nhạc Happy End, mang âm nhạc của hai đất nước đến gần nhau hơn khi cho ra mắt album cùng tên vào năm 70. Chủ đề của album nói về cuộc sống hưởng thụ xa hoa chốn thành thị, tạo ra được một cái nhìn mới cho nền nhạc Pop của Nhật lúc bấy giờ và trở thành nền tảng cho thứ City Pop sơ khai nhất. Lý tưởng của dòng nhạc này, đó là diễn giải lại âm nhạc của Mỹ theo cách mà người Nhật khám phá, thẩm thấu và sáng tạo. Kể từ đó, City Pop Nhật Bản đã phát triển theo nhiều hướng khác nhau, miễn là âm nhạc mới lạ thì sẽ được xem là City Pop chứ không rập khuôn hay yêu cầu phải dùng nhạc cụ gì. Nó không giới hạn chỉ trong các giai điệu funky, disco sôi động mà còn có thể là những thể loại có yếu tố ngoại lai như Bosa Nova, Jazz Fusion, Raggae… cũng có thể được xem là City Pop. Nếu chia theo mục đích thì chủ yếu gồm:

CITY POP ROCK

Những nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất nổi tiếng nhất bắt đầu đạt được sự chú ý của công chúng nhiều hơn như Tatsuro Yamashita, Toshiki Kadomatsu với các sáng tác nhạc phức tạp, sử dụng yếu tố Jazz và Rock mà họ học theo trường phái soft-rock tại Mỹ (điển hình là The Dobbie Brothers). Kinh tế phát triển giúp những nghệ sĩ này dễ dàng được các phòng thu tài trợ các công nghệ thu âm tân tiến nhất, để rồi họ tạo ra thứ âm thanh hiện đại, bắt tai và thậm chí đi trước thời đại. Đặc biệt phải kể đến những album như Pacific (Tatsuro Yamashita), A Long Vacation (Eiichi Ohtaki) là các album chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nhà sản xuất nổi tiếng nhất lúc đó như Brian Wilson và Phil Spector. Cũng không thể không nhắc đến Masayoshi Takanaka, tay guitar đã góp công lớn khai sáng cho thể loại Fusion Rock, làm đa dạng dòng nhạc City Pop hơn.

Album All of me của tay chơi Guitar trứ danh Masayoshi Takanaka-dòng nhạc City Pop
Album All of me của tay chơi Guitar trứ danh Masayoshi Takanaka

CITY POP VỀ LỐI SỐNG VỀ ĐÊM

Phụ nữ Nhật Bản thay vì theo truyền thống phải lấy chồng sớm và yên bề gia thất, nay trở nên cởi mở hơn với nghệ thuật và âm nhạc. Chủ đề về thứ tình yêu thụ động, ngây thơ thường thấy ở âm nhạc truyền thống đã được thay thế bởi tiếng lòng và cảm xúc thật của những nữ ca sĩ như Junko Ohashi hay Mariya Takeuchi. Bài hát Plastic Love là một ví dụ về thứ tình yêu chớp nhoáng và sự chủ động của người phụ nữ.

Album Magical của nữ ca sĩ Junko Ohashi-dòng nhạc City Pop
Album Magical của nữ ca sĩ Junko Ohashi

TECHNO-POP CITY POP

Haruomi Hosono, Ryuichi Sakamoto và Yukihiro Takahashi cùng nhau lập nên ban nhạc có một không hai Yellow Magic Orchestra sử dụng những nhạc cụ tối tân nhất từ doanh nghiệp trong nước như Yamaha hay Roland để tạo ra thứ âm nhạc điện tử chưa từng có trong lịch sử. Có ý kiến cho rằng âm thanh của YMO tạo ra đại diện cho đất nước đi lên nhờ các sáng chế máy móc. Thậm chí bài “Technopolis” trong album Solid State Survivor còn lên sóng TV trong quảng cáo về chiếc máy cassette Walkman tối tân nhất. Đây vừa là lời tự sự của ban nhạc về phong cách của họ, vừa thể hiện với cả thế giới về sự lớn mạnh của Nhật Bản. Những cái tên khác như T-Square và Casiopeia cũng đáng chú ý với kĩ thuật sử dụng đàn synthesizers cực kỳ điêu luyện.

Album Solid State Survivor của ban nhạc Yellow Magic Orchestra-dòng nhạc City Pop
Album Solid State Survivor của ban nhạc Yellow Magic Orchestra

Cho dù là định nghĩa như thế nào với mục đích gì, thì cảm xúc chung nhất mà dòng nhạc City Pop đem lại gói gọn trong từ “hoài cổ”. Đó là cảm giác bạn trở về sau một ngày dài mệt mỏi, mở TV lên và bắt gặp một đoạn quảng cáo xưa cũ về một sản phẩm rất tốt nay đã ngừng sản xuất. Đó là kí ức về một thời tươi đẹp đã qua không bao giờ trở lại, về một giai đoạn mà mọi thứ quá đẹp để có thể tin rằng chúng từng tồn tại.

Nhưng cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi, bong bóng kinh tế sớm muộn cũng sẽ phát nổ, thị trường chứng khoán của Nhật Bản sụp đổ vào những năm 90, Nhật Bản chưa bao giờ đạt lại được quy mô tăng trưởng như 40 năm trước kéo theo những âm hưởng City Pop cũng dần lụi tàn. Tuy nhiên, cuộc suy thoái này không phải là lý do duy nhất khiến dòng nhạc City Pop một thời bị quên lãng. Các nghệ sĩ của thể loại này ít được chú ý hơn khi các thần tượng nhạc Pop và các ban nhạc Rock xuất hiện, đưa nền âm nhạc Nhật Bản rẽ sang một hướng mới. Và thật may mắn, nhờ có thuật toán của Youtube đã giúp cho dòng nhạc City Pop hồi sinh trở lại, từ thể loại học hỏi từ phương Tây nay lại chính là nguồn cảm hứng để âm nhạc các nước phương Tây học hỏi theo.

City Pop-báu vật của nền âm nhạc cần được phục dựng
City Pop-báu vật của nền âm nhạc cần được phục dựng

Sự hồi sinh của dòng nhạc City Pop

Dòng nhạc City Pop thực sự bắt đầu tạo nên làn sóng vào nửa sau của thập kỷ 2010, nhờ thuật toán đề xuất của YouTube. Thể loại nhạc lo-fi vốn đã thịnh hành vào thời gian đó, và thuật toán của YouTube bắt đầu hướng người dùng đến các bản City Pop có giai điệu và âm hưởng tương tự. 

Đề xuất dựa trên thuật toán đáng chú ý nhất như chúng ta đã thấy ở đầu bài viết, “Plastic Love” của huyền thoại Mariya Takeuchi. Ca khúc đã nhận được hơn 40 triệu lượt xem trên YouTube kể từ khi được một người dùng ẩn danh tải lên vào năm 2017. Phần lớn những người yêu thích dòng nhạc City Pop tại phương Tây đều dùng Plastic Love như lời giới thiệu điển hình về City Pop. Nhờ Plastic Love mà dòng nhạc City Pop được lan truyền mạnh mẽ trên Internet của phương Tây. Nhưng ca khúc khiến City Pop lan rộng trên toàn cầu vào năm 2020 là Mayonaka no Door/Stay With Me của Miki Matsubara đã đạt Top 1 Spotify Viral Charts. Vào thời điểm ca khúc lần đầu tiên được phát hành, Miki Matsubara mới 19 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học một năm. Bài hát có những điểm tương đồng với Plastic Love, với ca từ buồn vui lẫn lộn được hát bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Những khúc ca tinh tế, giai điệu trau chuốt và ca từ lãng mạn mang hơi hướng thành thị trưởng thành của dòng nhạc City Pop vẫn luôn được yêu thích sau bao năm. 

Stay with me đạt hơn 180 triệu lượt nghe trên Spotify
Stay with me đạt hơn 180 triệu lượt nghe trên Spotify

Kể từ sau khi “tái” nổi tiếng trên Youtube, sự nghiệp ca hát đồ sộ của Mariya được khai quật rộng rãi và là niềm cảm hứng cho nhạc vaporwave, future funk hiện đại. Thế nhưng chồng của cô, Tatsuro Yamashita người được vinh danh là vị Vua của dòng nhạc City Pop, mới là một huyền thoại đích thực bởi sự bền bỉ cống hiến cho âm nhạc của mình, người góp phần không nhỏ trong sự phát triển cũng như đưa dòng nhạc City Pop một thời quay trở lại với khán giả đại chúng. Tatsuro Yamashita & Mariya Takeuchi được ví như “Jay Z và Beyonce” của làng âm nhạc Nhật Bản, do quyền lực và tài năng mà họ sở hữu.

Đám cưới của cặp đôi được tổ chức vào tháng 4/1982
Đám cưới của cặp đôi được tổ chức vào tháng 4/1982

Tatsuro Yamashita chưa bao giờ được nhìn nhận như một siêu sao ca nhạc đúng nghĩa do không sở hữu một loạt các hit nối nhau đứng top bảng xếp hạng. Yamashita được biết nhiều hơn với tư cách là một nghệ sĩ tỉ mỉ, chỉn chu và “ổn định” với các album được bán dài hơi hơn là ca sĩ one-hit wonder. Hai album nổi tiếng nhất của ông là Ride on time (1980) và Christmas Eve (1982), trong đó bài Christmas Eve được ví như Last Christmas của WHAM, không phải vì đạo nhạc, mà vì đây là bài hát truyền thống vẫn luôn được mở ở khắp nơi trên Nhật Bản và được xem là chuẩn mực của âm nhạc, là bài nhạc nhất định phải nghe mỗi kì Giáng Sinh đến. Không những thế, cho đến hiện tại ông vẫn luôn hoạt động rất tích cực trong vai trò là nhà sản xuất âm nhạc.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm nhiều bài hát Giáng Sinh cực kỳ hay và ngọt ngào: Tại đây

Âm nhạc hiện đại lấy cảm hứng từ dòng nhạc City Pop

Nhắc đến The Weeknd hay còn được khán giả Việt Nam gọi với cái tên thân thương là Tuấn Cùi thì chúng ta không thể bỏ qua album mới nhất của anh, Dawn FM được ra mắt vào năm 2022. Trong album, Tuấn Cùi có một ca khúc đã làm điên đảo các fan của dòng nhạc City Pop, góp phần đưa City Pop một lần nữa quay trở lại và đến với nhiều thính giả hơn, đó chính là bài “Out of time”. Bài hát này gây bão là vì nó sử dụng nguyên đoạn beat của bài Midnight Pretenders nằm trong album “Fuyu Kukan” của nghệ sĩ Tomoko Aran. Ở trong credit của bài hát, anh cũng ghi nhận Tomoko Aran là tác giả gốc của giai điệu này. Với Midnight Pretenders, Tomoko Aran giống như một cô gái đang cố gắng theo đuổi, muốn được độc chiếm tình yêu của chàng trai, toàn quyền sở hữu tất cả những gì thuộc về anh chàng, về phía Out of time của Tuấn Cùi lại giống như một lời phản hồi sau khi họ đã chia tay vậy, cùng với tài năng của mình Tuấn Cùi lại giúp người nghe được một lần nữa đắm chìm trong các giai điệu đầy sự hoài niệm, góp phần hồi sinh dòng nhạc City Pop trong nền âm nhạc đương đại.

Album cover của Dawn FM và Fuyu Kukan-lấy cảm hứng từ dòng nhạc City Pop
Album cover của Dawn FM và Fuyu Kukan

 

Thưởng thức ngay ca khúc Out of time-The Weeknd

Phùng Khánh Linh và album lấy ý tưởng từ dòng nhạc City Pop

Album CITOPIA là album phòng thu thứ 2 của Phùng Khánh Linh vừa ra mắt ngày 11/11 vừa qua, là album lấy cảm hứng từ dòng nhạc City Pop đầu tiên của Vpop mang về cho nữ ca sĩ những thành tích đáng khích lệ: vươn lên #2 Apple Music Vietnam, #6 Spotify Vietnam. Các track đến từ album CITOPIA cũng nhận về phản ứng tích cực từ công chúng, trở nên tương đối viral trên các nền tảng MXH như Quý Cô Say Xỉn, Ngưu Tầm Ngưu Mã Tầm Mã, Năm Ngoái Giờ Này, Căn Gác Mùa Hè, Em Chỉ Tạm Vắng Khi Anh Thức Giấc,… và được nhận xét là một album vừa mang những dấu ấn đẹp đẽ về một thời kỳ vàng son nhưng cũng rất hiện đại, điều này cho thấy City Pop vẫn có một chỗ đứng, sức ảnh hưởng nhất định trong nền âm nhạc đương đại.

Phong cách City Pop từ hình ảnh đến âm nhạc trong album CITOPIA của Phùng Khánh Linh
Phong cách City Pop từ hình ảnh đến âm nhạc trong album CITOPIA của Phùng Khánh Linh

Cây bút Patrick St. Michel của tờ The Japan Times dành lời khen dành cho sự đa dạng và ý tưởng của album CITOPIA: “Album thứ hai của cô ấy, ‘CITOPIA’, ra mắt vào ngày 11 tháng 11 vừa qua, gồm 10 bài hát đã có sự kết nối rõ ràng với nhạc City Pop. CITOPIA có một cấu trúc âm nhạc uyển chuyển giữa Funk và Disco ở những bài hát sôi động cùng với những bản ghi với tiết tấu chậm rãi, mộng mơ ảo diệu như tác phẩm ‘Midnight Pretenders’ của Tomoko Aran. Giọng hát của Linh như sự giao thoa trong sự lạc quan vui vẻ tối thứ Sáu và những nỗi buồn man mác những sáng thứ Hai. Sau khi ra mắt album, tên tuổi của Phùng Khánh Linh được khán giả biết đến nhiều hơn, đặc biệt là người trẻ, những người đam mê cảm giác hoài niệm về một thời vàng son đã qua và dành chỗ đứng nhất định cho dòng nhạc City Pop trong tim mình.