5 tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.

Thời gian gần đây, ô nhiễm không khí do sự cố môi trường hay nồng độ khói bụi dày đặc gây ra tại các thành phố lớn đã đến mức báo động. Vậy ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như thế nào?

Tình trạng ô nhiễm không khí luôn là vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu, làm lây lan dịch bệnh, mất cân bằng sinh thái,… Tác hại của ô nhiễm không khí còn khiến các cơ quan chức năng tốn kém chi phí xử lý rác thải cũng như ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ sau này.

Nội dung tóm tắt

Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Có thể xem video về cảnh báo ô nhiễm không khí tại đây:

Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện. Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Nồng độ bụi trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao. Nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp.

Mức độ ô nhiễm của Hà Nội chỉ sau New Delhi (Ấn Độ), là nơi ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới với nồng độ bụi PM2.5 lên tới 124 µg/m3 không khí. Đối với khu vực nông thôn, mức độ ô nhiễm chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất của các làng nghề,hoạt động xây dựng, đốt rác thải và đun nấu.

Ô nhiễm không khí
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống mà còn gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nó đã trở thành vấn đề bức xúc, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Khi nắm rõ những tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe, bạn sẽ nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường.

5 tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người

Sau đây là những tác hại sức khỏe đáng sợ có thể là hậu quả của ô nhiễm môi trường mà bạn nên nhận biết sớm để phòng tránh.

Tác hại của ô nhiễm không khí với hệ hô hấp

Các chất gây ô nhiễm môi trường trong giao thông như SO2, NO2 và CO rất độc hại. Chúng có thể làm phát triển các biến chứng hô hấp bao gồm tắc nghẽn phổi, tích tụ chất lỏng trong các mô phổi và nhiễm trùng phổi, tấn công sâu vào mạch máu và tim.

Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh lý đường hô hấp
Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh lý đường hô hấp

Các nghiên cứu cho thấy rằng ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn, đặc biệt là những người sống ở thành thị so với dân cư nông thôn.

Ngoài ra, Ozone là một chất gây ô nhiễm oxy hóa mạnh phổ biến, được hình thành khi các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phản ứng với các oxit nitơ khi có ánh sáng mặt trời. Nồng độ ozone cao có khả năng làm tổn thương mô đường hô hấp, mô phổi cũng như làm triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tử vong.

Còn đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về bệnh đường hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

Tình trạng ô nhiễm không khí gây bệnh tim mạch

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm suy yếu chức năng tim và mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim hoặc tử vong.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England, các chuyên gia tập trung vào ảnh hưởng của động cơ diesel, vì loại động cơ này tạo ra những phần tử gây ô nhiễm nhiều hơn từ 10 – 100 lần so với động cơ chạy bằng xăng. Khói diesel tác động xấu đến mạch máu, làm giảm chức năng tim, tăng nguy cơ bị huyết khối, từ đó làm cho bệnh tim trở nên nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm không khí gây bệnh tim mạch.
Ô nhiễm không khí gây bệnh tim mạch

Việc phơi nhiễm các phân tử bụi (xe cộ, trung tâm điện than, khí thải công nghiệp,..) làm tăng rủi ro chứng nhồi máu cơ tim, các bệnh tim mạch, làm tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh tim, đặc biệt ở những bệnh nhân suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim.

Nguy cơ sức khỏe này có thể xảy ra do các chất ô nhiễm làm thúc đẩy tình trạng rối loạn chức năng mạch máu, viêm, stress oxy hóa, hình thành cục máu đông và tăng huyết áp. Ngoài ra, ozone và bụi mịn có thể kích thích phản xạ thần kinh phổi khiến nhịp tim bất thường. Theo thời gian, chúng có thể làm hỏng các mô của tim, cứng động mạch, tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao và đột quỵ. Nguy cơ càng tăng cao và rõ rệt ở người già, người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.

Ô nhiễm môi trường không khí gây kháng insulin

Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh tiểu đường tuýp 2 bắt nguồn từ ô nhiễm không khí.

Trong không khí tồn tại một dạng hạn mịn (PM) thải ra từ các phương tiện giao thông, nhà máy, xí nghiệp,… di chuyển trong sương mù dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Các hạt mịn này có nguy cơ làm giảm khả năng đáp ứng insulin nội tiết tố của cơ thể, gây ra “Kháng insulin”, làm lượng đường trong máu tăng dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nồng độ cao của các bụi mịn làm suy yếu khả năng chuyển hóa năng lượng và cân bằng nội môi glucose. Điều này còn làm tăng tình trạng viêm ở các cơ quan đáp ứng với insulin – yếu tố gây tiểu đường tuýp 2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim và đột quỵ.

Bên cạnh đó, tác hại của ô nhiễm môi trường có thể làm tăng chỉ số khối cơ thể ở trẻ em. Các chất ô nhiễm không khí có khả năng kích hoạt tình trạng viêm, làm thúc đẩy bệnh tiểu đường và lưu trữ chất béo. Ngoài ra, một số chất gây ô nhiễm có thể gây rối loạn nội tiết tố (ví dụ: PCB, BPA và phthalates), ngăn chặn hoạt động của tuyến giáp và gây tăng cân.

Tác hại của ô nhiễm không khí gây hại cho não

NO2 (khí thải của xăng) là một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí có khả năng làm chậm phát triển tâm lý ở trẻ em mới sinh. Phụ nữ mang thai khi tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể làm thay đổi chức năng não và làm giảm mức IQ ở trẻ em được sinh ra. Tương tự, người lớn khi tiếp xúc nhiều khí NO2 cũng làm giảm hiệu suất nhận thức thần kinh và có thể gây mất trí nhớ.

Bên cạnh đó, khi hít phải các kim loại nặng khác có thể gây suy yếu thần kinh. Ví dụ như thủy ngân gây độc cho tế bào não, làm rối loạn thần kinh, mangan gây ra các khiếm khuyết về thần kinh. Phụ nữ mang thai khi phơi nhiễm cadmium có thể làm giảm nhận thức ở trẻ, đặc biệt là về ngôn ngữ, khả năng thực hiện và phát triển nhận thức chung.

Tác hại của ô nhiễm không khí gây bệnh về da

Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về da
Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về da

Khi tiếp xúc với các hạt trong không khí hàng ngày, cấu trúc sợi collagen trong da bị phân mảnh và suy yếu. Làm da mất độ đàn hồi, đồng thời tạo ra các gốc tự do trong da, các tạp chất hình thành các tế bào sắc tố đen làm đẩy nhanh quá trình lão hóa da như xuất hiện nếp nhăn trên da, đốm đồi mồi, tàn nhang,… Vì thế, người dân thành phố ở nơi bị ô nhiễm cao có xu hướng mắc bệnh viêm da dị ứng và nổi mề đay nhiều hơn so với những người sống ở khu vực nông thôn.

Các tổn thương trên da có thể do nhiều chất ô nhiễm đi qua da, kích hoạt phản ứng viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa và kích thích sản xuất melanin từ melanocytes gây sạm da.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân và gia đình trước thực trạng không khí bị ô nhiễm?

Trước tác hại nặng nề từ ô nhiễm không khí, các chuyên gia y tế, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cảnh báo người dân tại các đô thị lớn phải đặc biệt đề cao ý thức bảo vệ sức khoẻ trước ô nhiễm không khí như:

  • Hạn chế ra ngoài khi tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức cao, thực tế đó là ảnh hưởng của bụi mịn, của ô nhiễm không khí.
  • Dọn vệ sinh nhà cửa thường xuyên, dùng máy hút bụi hút bụi mỗi tuần để nhà cửa luôn sạch sẽ và thoáng, lắp các thiết bị làm sạch không khí trong nhà để ngăn ngừa không khí ô nhiễm.
  • Ăn uống tốt đê bảo vệ sức khỏe : thay đổi chế độ ăn uống để giúp phổi chống chọi với tác động của ô nhiễm không khí. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thực phẩm giàu vitamin có thể giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn.
  • Đeo khẩu trang bảo vệ khi ra ngoài đường. Khẩu trang giấy N95 được khuyên dùng để đảm bảo che kín quanh mặt và lọc 95% bụi trong không khí.
  • Tạo và duy trì thói quen vệ sinh mũi hàng ngày với nước biển sâu giúp loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, hỗ trợ bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình.
  • Nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường bằng sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thực vật, có thể lựa chọn sản phẩm bằng nhựa tái chế nhằm giảm thiểu rác thải cho môi trường.

Những nguy cơ sức khỏe từ môi trường hiện nay lại càng trở nên cấp bách hơn trong mùa dịch bệnh COVID-19 khi sức đề kháng bị suy yếu. Vì thế, thói quen dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ chính là chìa khóa quan trọng giúp bạn luôn khỏe mạnh!


Xem thêm bài viết liên quan tại đây:

https://www.suckhoedothi.com/top-5-khu-do-thi-xanh-ha-noi-hien-nay/

https://www.suckhoedothi.com/top-5-loai-cay-xanh-do-thi/

https://www.suckhoedothi.com/o-nhiem-nguon-nuoc-song-to-lich-3-nguyen-nhan/


Một số nguồn tham khảo của bài viết:

Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), “Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam”.

https://hellobacsi.com/thoi-quen-lanh-manh/song-xanh/tinh-trang-o-nhiem-moi-truong/#gref

Người thực hiện bài viết: Vũ Trần Phương Lan        MSV: 18050492