Vào lúc 11h ngày 10/11/2021, giá của Bitcoin (BTC) – đồng tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay – đã đạt mức giá kỷ lục gần 69.000 USD 1 BTC, tăng trưởng gần 100 triệu lần so với giá khởi điểm của nó (0,00076 USD 1 BTC), mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền này. Trong bối cảnh nguồn thu nhập của người lao động trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid 19 thì mức lợi nhuận đầu tư như vậy quả thật đã thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người. Trong bài viết này, bạn hãy cùng Sức khoẻ đô thị tìm hiểu xem BTC là gì, hoạt động của nó, biến động giá trong lịch sử và điều gì làm nên giá trị của loại tiền điện tử này nhé!
https://www.youtube.com/watch?v=bBC-nXj3Ng4
Nội dung tóm tắt
Tiền điện tử Bitcoin là gì?
Bitcoin (BTC) là một loại tiền điện tử được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở và phát minh bởi Satoshi Nakamoto. Đây cũng chính là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử. Tiền điện tử thì cũng là một đồng tiền, bởi vậy, BTC cũng có chức năng là trung gian thanh toán cho các giao dịch thường ngày trong cuộc sống như các loại tiền chính thống khác. Khác biệt ở chỗ, BTC được mã hóa bằng điện tử. Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí, càng ngày, nó càng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận. BTC có số lượng giới hạn và dự kiến đồng BTC cuối cùng sẽ được khai thác vào năm 2140.
Chính bởi số lượng có hạn và những giá trị khó có thể thay thế của BTC, giá của loại tiền điện tử này được tin tưởng sẽ biến động hoàn toàn dựa trên quy luật cung cầu của thị trường. Thậm chí, BTC còn được ví là “vàng kỹ thuật số” vì tính tương đương về giá trị và tính có hạn của nó tương quan với vàng vật lý.
Sứ mệnh của tiền điện tử Bitcoin
Ra đời sau khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008, được đánh dấu bởi sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) tháng 9/2008 với nguyên nhân chính đến từ sự bắt tay của hàng loạt các định chế tài chính lớn ở Mỹ, BTC là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra với tham vọng về một đồng tiền được giao dịch tự do mà không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan chính quyền trung ương hoặc bất kỳ người trung gian nào. Cha đẻ của đồng tiền này, nhân vật bí ẩn Satoshi Nakamoto đã tạo ra BTC với một tầm nhìn chính trị, được thể hiện rõ qua bản white paper (bản giới thiệu đầy đủ về các đồng tiền mã hoá) của đồng tiền này: “BTC là một mạng lưới thanh toán điện tử trao đổi ngang hàng (P2P), cho phép các bên giao dịch với nhau mà không cần thông qua một bên trung gian thứ ba”.
Hành trình tăng giá từ 0 tới 69,000 USD của tiền điện tử Bitcoin
Dưới đây là hành trình 13 năm chìm nổi trên thị trường của loại tiền điện tử này.
- 2009: Giá Bitcoin 0.00076 USD
BTC lần đầu tiên được tung ra thị trường năm 2009 với mức giá ban đầu chỉ là 0.00076 USD.
- 2010: Giá Bitcoin 0.1 USD
Giá BTC tăng gấp 4 lần so với năm 2009, lợi nhuận 400% 1 năm.
Đến tháng 10-2010, BTC được giao dịch với giá khoảng 10 xu/1 đồng. 100 USD sẽ mua được khoảng 1,000 BTC. Nếu một nhà đầu tư nắm giữ những “đồng tiền số” đó thì giá trị hiện nay là hơn 62 triệu USD.
- 2011: Giá Bitcoin 18 USD
Giá Bitcoin tăng 180 lần so với năm 2009, cán mốc 18 USD / BTC.
- 2013: Giá Bitcoin 1000 USD
Giá BTC tăng 500 lần so với năm 2011, lợi nhuận 50000% 1 năm.
BTC bắt đầu được các tổ chức tài chính trên thế giới để mắt sau khi vượt mốc 1.000 USD lần đầu tiên năm 2013. Đồng tiền này được ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ví với mô hình lừa đảo Ponzi. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Fed – Ben Bernanke lại nhìn ra tiềm năng của tiền điện tử này.
- 2014: Giá Bitcoin 200 USD
Giá BTC giảm 5 lần so với năm 2013.
Lịch sử BTC đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất vào đầu năm 2014 kể từ khi ra đời. Mt. Gox – trước đây là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới phải đóng cửa do bị đột nhập. Khi đó, khoảng 80% BTC trên thế giới được giao dịch tại đây.
Sau vụ việc đó giá của đồng tiền này tiếp tục lao dốc, một lần nữa loại tiền điện tử này được dự báo sẽ không còn được giao dịch trên thị trường nữa. Có thời điểm giá của BTC này chỉ còn hơn 200 USD/đồng.
- 2017: Giá Bitcoin 19.500 USD
Giá BTC đạt mốc cao nhất lịch sử (all time high – ATH), tăng 20 lần so với thời điểm năm 2013, 1 BTC có giá gần 20.000 usd.
BTC gần như hồi phục hoàn toàn vào đầu năm 2017. Đây được coi là điểm khởi đầu cho “bước ngoặt” của loại tiền điện tử này. Đến cuối năm 2017, giá một BTC lên kỷ lục 19.500 USD, theo số liệu của Bloomberg. Vốn hóa BTC cũng được kéo lên hơn 300 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
- 2018: Giá Bitcoin 3.800 USD
BTC tụt 7 lần, 1 BTC chỉ còn trị giá 3800 USD.
Thời điểm năm 2017, BTC cũng như các đồng tiền điện tử khác đã bị thổi giá qúa cao so với giá trị thực đem lại mà các dự án mà các đồng tiền này đại diện.
Tháng 1 năm 2018, tổng giá trị của toàn bộ tiền điện tử trên thế giới vượt 800 tỷ USD. Bong bóng vỡ vụn ngay sau đó. Mỗi đồng BTC chỉ còn giá trị khoảng 6.440 USD.
Cuối năm 2018, giá đồng BTC “lao dốc” kỷ lục, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017, chạm mốc thấp khoảng 3.800 USD/BTC.
- 2020 – 2021: Giá Bitcoin 69,044.77 USD
BTC đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, 1 BTC = 69,044.77 USD
BTC đã đạt đỉnh mới với mốc giá ấn tượng vào tháng 11/2021 kể từ khi sinh ra vào năm 2009.
Tuy nhiên, chỉ khoảng một tháng sau khi BTC đạt ATH, đồng tiền này đã chứng kiến sự sụt giảm một lần nữa, mất khoảng 30% từ mức giá 69,044.77 USD. Một trong những nguyên nhân lớn tác động đến sự sụt giá này chính là hàng loạt những thông tin xấu từ Chính phủ các nước về việc ra các quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động giao dịch của thị trường tiền điện tử.
Thời điểm hiện tại khi bài viết được thực hiện, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định về việc chưa tăng lãi suất cho vay tại thị trường này, BTC có thể được chuẩn bị cho một đợt tăng giá khác, ít nhất là theo nhà phân tích của CryptoQuant – VentureFounder.
Nếu BTC thực sự tăng 50% so với mức giá hiện tại thì nó sẽ phá vỡ ATH tháng 11 bằng cách tăng lên mức giá trên 70.000 đô la.
Nền tảng công nghệ tạo nên tiền điện tử Bitcoin
Tất cả các tính chất ưu việt của BTC được xây dựng trên hai công nghệ mới:
- Công nghệ Blockchain.
- Công nghệ sổ cái phân tán.
Công nghệ Blockchain trong xây dựng tiền điện tử Bitcoin
Công nghệ Blockchain được xem là bước đột phá tài chính của tương lai. Blockchain là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau (tính phi tập trung), lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào (tính minh bạch). Mọi thông tin giao dịch được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Như vậy, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin giao dịch được ghi nhận trong Blockchain không thể bị thay đổi mà chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Hệ thống này được bảo toàn ngay cả khi một phần trong hệ thống gặp vấn đề. Chưa hết, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.
Công nghệ Sổ cái phân tán (DLT) trong xây dựng tiền điện tử Bitcoin
Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT) là một tập hợp các cơ sở dữ liệu mà không được lưu trữ hay xác nhận bởi bất kỳ một bộ máy trung ương nào. Đối với DLT, người tích hợp nó sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với cách thức nó được tích hợp. Về nguyên tắc, họ vẫn có thể độc quyết cơ cấu, mục đích và quá trình vận hành mạng lưới sử dụng dịch vụ của họ. Sổ cái phân tán có được xem như là bước đầu tiên để tiến lên Blockchain.
Tuy nhiên, nó không được tạo nên bởi một chuỗi các block mà chiếc sổ cái sẽ được lưu trữ trên nhiều server khác nhau. Tiếp đó sẽ liên lạc lẫn nhau để đảm bảo duy trì dữ liệu giao dịch mới nhất và cập nhật chính xác nhất.
Yếu tố quyết định sự tồn tại của tiền điện tử Bitcoin
Giá trị thực của BTC hay yếu tố quyết định sự tồn tại của nó chính là việc đồng tiền này sử dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) cho tất cả các giao dịch và loại bỏ bước trung gian trong quá trình thực hiện giao dịch. Giao thức ngang hàng này đảm bảo được những yếu tố sau:
Tính phi tập trung khi giao dịch tiền điện tử Bitcoin
Trong thị trường tài chính tập trung truyền thống (CeFi – Centralized Finance), các loại tiền pháp định như USD, VND, EUR,… sẽ bị kiểm soát bởi các tổ chức như Ngân hàng Trung ương hay chính phủ.
BTC với tính chất phi tập trung (DeFi) của mình có thể được truy cập và sử dụng ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả. Điều này có nghĩa là không một ai có thể kiểm soát được Bitcoin.
Tính bảo mật gần như tuyệt đối khi giao dịch tiền điện tử Bitcoin
BTC có độ bảo mật rất cao, xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán. Hack vào hệ thống mạng của BTC dường như là bất khả thi. Nếu muốn làm điều đó, cần hack vào tất cả các node ở trong mạng lưới của Bitcoin trong cùng 1 thời điểm. Và để làm điều này gần như là không thể!
Phí giao dịch thấp khi giao dịch tiền điện tử Bitcoin
Nhờ có giao thức ngang hàng (peer-to-peer) loại bỏ bước trung gian như trong quá trình thực hiện giao dịch thông thường mà phí giao dịch với BTC cực kỳ thấp, gần như bằng 0.
Không thể lấy lại tiền khi giao dịch đã xảy ra khi giao dịch tiền điện tử Bitcoin
Một khi đã thực hiện giao dịch BTC, ta sẽ không thể hoàn tác hay lấy lại tiền vì thông tin lúc này đã được ghi vào Blockchain, sẽ không ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa thông tin đó được. Do đó, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ khi đầu tư BTC nói riêng và các loại tiền điện tử cùng dùng công nghệ Blockchain khác nói chung.
Có tổng bao nhiêu Bitcoin?
Chỉ có 21 triệu Bitcoin được tạo ra trong hệ thống, con số này là cố định, giới hạn và không thể sản xuất thêm. Người ta dự đoán, số lượng Bitcoin vẫn đủ để đào đến năm 2040.
Tuy nhiên viễn cảnh của đồng tiền này trong tương lai như thế nào vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. Nó có thể được dùng làm công cụ thanh toán dựa trên sự tin tưởng của mọi người, hoặc thậm chí trở nên vô giá trị như tiền của Zimbawe, Venezuela.
Cách để có được Bitcoin
Để có được Bitcoin, bạn phải giải mã được các phương trình toán học và đưa ra đáp án chính xác, hành động này được gọi là “đào”.
Hệ thống dùng để đào Bitcoin phải là các máy tính có cấu hình cực mạnh với những phần mềm chuyên dụng. Với một tài khoản được tham gia mạng lưới Bitcoin, bạn cho phần mềm chuyên dụng chạy tự động, quá trình đào tiền ảo sẽ tự động diễn ra.
Đối với những năm về trước, Bitcoin có thể được đào bởi bất cứ ai. Tuy nhiên những năm trở lại đây, việc nhiều ông lớn tham gia vào sàn giao dịch này cùng những hệ thống máy tính cực kỳ mạnh mẽ khiến việc này không còn dễ dàng. Mặt khác, các kỹ thuật và thuật toán để đào được đồng tiền ảo này cũng vô cùng phức tạp.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về BTC để giúp người đọc cái cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành, giao thức giao dịch cũng như điều làm nên giá trị của loại tiền điện tử này. Hi vọng bài viết sẽ là một nguồn tham khảo tốt để bạn đọc có thêm hiểu biết về lĩnh vực này và là một trong những căn cứ giúp bạn đọc đưa ra quyết định chính xác hơn khi giao dịch trên thị trường. Nếu bạn hứng thú với tiền điện tử và muốn có thêm hiểu biết về thị trường thì đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi!
Thực hiện: Trần Mai Linh – 17040866